Trung Quốc loay hoay xử lý nợ xấu
Có những tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực triển khai các biện pháp giải quyết núi nợ khổng lồ đang tăng lên từng ngày tại quốc gia này.
Quyết định gần đây nhất của chính phủ Trung Quốc là đã tạo lập một thị trường cho các giao dịch hoán đổi tín dụng (CDs), trong đó cung cấp cho các ngân hàng và các nhà đầu tư một công cụ để định giá và tiến hành hoán đổi các rủi ro của các công ty Trung Quốc đang trong tình trạng vỡ nợ.
Đây là một nhu cầu thực sự cần thiết bởi các số liệu chính thức cho thấy tình trạng nợ xấu của Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ, trong khi các thống kê phi chính thức cho thấy tỷ lệ nợ xấu không chỉ ở mức 8% như số liệu công bố hiện tại mà còn ở mức 20%.
Do đó, bất kỳ biện pháp nào giúp hạn chế tình trạng lây lan rủi ro cũng sẽ giúp củng cố sự ổn định của hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, thị trường CDs mới này dường như chưa làm được gì nhiều để cải thiện tình hình. Các mức giá của các hợp đồng CDs không được xác định trên cơ sở thị trường. Thông thường, đối với các công ty lớn, khi tiến hành vay nợ từ các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước lớn cũng đã tiến hành mua bảo hiểm tín dụng.
Và dĩ nhiên khi đó giá cả phải trả cho các khoản bảo hiểm này sẽ không có chênh lệch. Nếu một hợp đồng hoán đổi tín dụng bắt đầu cho thấy những dấu hiệu về rủi ro gia tăng tại một doanh nghiệp nhà nước lớn, thì ngay lập tức các quan chức chính phủ sẽ có các biện pháp các can thiệp để đảo ngược tình hình.
Tình trạng này đang tạo nên rủi ro đối với nhiều cấp độ. Thực tế vừa qua cho thấy nhiều công ty bảo hiểm tín dụng của Trung Quốc đã bị phá sản do định giá thấp mức độ rủi ro tín dụng, khiến chính phủ phải tiến hành cứu trợ khẩn cấp.
Việc tiếp tục đánh giá thấp rủi ro sẽ chỉ khuyến khích việc phân bổ quá mức lượng tín dụng và đẩy Trung Quốc ngày càng lún sâu vào các vấn đề rắc rối.
Ngoài ra, việc thiết lập thị trường CDs cũng không giúp chuyển đổi rủi ro từ các ngân hàng đang gặp vấn đề một cách hiệu quả. Trong một môi trường mà hoạt động kinh doanh ngân hàng và cho vay tập trung cao như tại Trung Quốc, khi các tổ chức tài chính lớn đều có giao dịch qua lại với nhau, quá trình hoán đổi tín dụng sẽ không giúp giải quyết triệt để vấn đề rủi ro trong hệ thống.
Như vậy, trừ phi có sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài vào thị trường để giảm bớt gánh nặng đối với các ngân hàng Trung Quốc thì các rủi ro tín dụng sẽ vẫn tiếp tục tồn tại.
Tuy nhiên, khả năng này hiện rất mong manh khi các nhà đầu tư nước ngoài dường như đang thận trọng hơn từ quá trình bùng nổ tín dụng tại Trung Quốc. Gần đây nhất, hai tổ chức quốc tế là Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã phải phát đi những cảnh báo về tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng tại Trung Quốc.
Không thể kết luận rằng việc Trung Quốc áp dụng hệ thống CDs là một điều sai lầm. Trái lại, mặc dù các biện pháp này còn khá hạn chế tuy nhiên đây cũng là một nỗ lực hướng đến giảm thiểu các rủi ro và là một bước tiến trong vấn đề nhận thức của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Để giải quyết được bài toán nợ xấu, cách tốt nhất đó là các nhà hoạch định chính sách cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giảm tỷ lệ đòn bẩy thực tế tại các ngân hàng và tái cấu trúc tài chính tại các ngân hàng đang gặp vấn đề.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần áp dụng các quy định chặt chẽ hơn để nâng cao sự minh bạch của hệ thống tài chính, trong đó đòi hỏi các công ty niêm yết phải công khai hóa thông tin với chất lượng chính xác hơn.