Xây dựng phương án xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường

Hà Phương

Trả lời báo chí về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra phương án dùng ngân sách nhà nước để xử lý một phần nợ xấu, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 ngày 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là nội dung dự thảo sơ bộ trong quá trình soạn thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả thì cần phải có nguồn lực về tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP.

Tại Việt Nam, điều kiện ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, nên việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước mà được thực hiện thông qua các biện pháp như trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, tăng cường thu hồi nợ, bán, phát mại tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp.

Thời gian qua, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thực hiện mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu. Đồng thời, sử dụng trái phiếu để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi, nợ xấu vẫn còn tồn đọng khá lớn.

Để giải quyết căn bản nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, triển khai cơ chế mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường và thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở đánh giá, tổng kết tình hình xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng các nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu của nền kinh tế thời gian tới sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong đó, việc có hay không sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn vốn vay để thực hiện xử lý nợ xấu sẽ được tính toán thận trọng phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm đúng quy định pháp luật, an toàn nợ công, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của cả hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam ở mức 2,58%, giảm so với mức 2,78% của thời điểm tháng 5/2016.

Số liệu do các tổ chức tín dụng và VAMC công bố cho thấy, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59.710 tỷ đồng, giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán nợ cho VAMC là 8.880 tỷ đồng, khách hàng trả nợ là 30.980 tỷ đồng, các ngân hàng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu là 7.240 tỷ đồng./.