Trung Quốc phải "chơi" theo luật Mỹ?
Rõ ràng, đích ngắm của chính quyền Donald Trump không phải là vấn đề thương mại mà thực sự muốn thay đổi hoàn toàn luật chơi với Trung Quốc.
Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) gần đây đã kết thúc mà không có tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo vì chia rẽ Mỹ – Trung Quốc do chiến tranh thương mại. Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Canada vào tháng 6/2018 đã kết thúc trong tình trạng hỗn loạn khi Trump rút lại sự tán thành của ông về tuyên bố chung.
Tiếp sau đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vừa kết thúc, ông Trump cũng tuyên bố nếu các cuộc đàm phán với Bắc Kinh không thành công, ông sẽ thực hiện lời đe dọa đánh thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu còn lại hằng năm của Trung Quốc sang Hoa Kỳ với mức thuế 10 – 25%.
Dù đã đạt được thỏa thuận với Mỹ tại G-20, song Trung Quốc khó ngăn chặn sự phá giá của đồng CNY do ảnh hưởng tâm lý “tẩu tán tài sản” của dân chúng, và nhất là các công ty muốn chạy ra khỏi Trung Quốc để đầu tư sang các nước khác. Đồng CNY đã mất giá 8 – 9% sau 2 đợt đầu của cuộc thương chiến. Nếu Mỹ đánh tiếp thuế quan 25% lên 200 tỷ hàng nhập Trung Quốc trước cuối năm, đồng tiền này có thể mất giá thêm 10% theo nhiều dự đoán. Và nếu áp thuế lên cả 276 tỷ USD hàng nhập còn lại từ Trung Quốc, đồng CNY sẽ đi về đâu, nếu không phải là một sự sụp đổ lớn?
Ông Trump vẫn đang thể hiện với cả thế giới là một lãnh đạo “diều hâu” đặt quyền lợi nước Mỹ lên hàng đầu và rất cứng rắn với các thỏa thuận tự do thương mại. Thế nhưng, các kết quả vừa đạt được cho thấy ông đang dùng lá bài lớn để giành nhiều lợi ích trong các thỏa thuận thương mại.
Một thành công lớn khác của Tổng thống Mỹ Donald Trump lần này tại thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires, ông đã chính thức ký tên vào tân hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ với Canada và Mexico.
Thỏa thuận này được coi là có lợi hơn cho kinh tế Mỹ so với NAFTA trước đây. Theo hiệp định mới này, 75% thành phần ô tô phải sản xuất ở Bắc Mỹ (quy định cũ về xuất xứ Bắc Mỹ là 62,5%). Việc tăng ngưỡng cao hơn này sẽ ngăn chặn việc nhập phụ tùng ô tô từ bên ngoài, đồng thời gia tăng sản xuất và việc làm trong khu vực. Ông Trump cho biết: “Điều này sẽ giúp ngăn chặn xuất khẩu việc làm ngành ô tô ra bên ngoài, và nó sẽ mang việc làm ngành ô tô trước đây đã bị rời đi, quay trở lại. Nhiều công ty đang quay lại, và chúng tôi rất vui mừng về điều đó”.
Ngày 21/11, ông Trump đã khoe trên Twitter: “Hàng tỷ đô la đang đổ vào kho bạc của Hoa Kỳ vì thuế quan được tính cho Trung Quốc. Nếu các công ty không muốn trả thuế quan, hãy sản xuất ở Hoa Kỳ. Nếu không, hãy cho phép quốc gia của chúng tôi trở nên giàu có hơn bao giờ hết!”.
Theo The Economist, tính đến ngày 16/10, hàng rào thuế quan của ông Trump nhắm vào tấm pin mặt trời, máy giặt, thép và nhôm từ khắp nơi trên thế giới, cũng như hàng hóa từ Trung Quốc, đã tạo ra doanh thu trực tiếp cho chính phủ Mỹ khoảng 7,1 tỷ USD. Chỉ tính riêng trong tháng 11, Bộ Tài chính đã thu về 7 tỷ USD trong tổng thuế hải quan, gấp hơn 2 lần số tiền đã được thu trong cùng tháng năm 2017.
Ông Michael Hirson - Giám đốc khu vực châu Á của Eurasia Group cho biết, việc Mỹ tăng thuế suất sẽ khiến nhiều công ty đa quốc gia đẩy mạnh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, trong khi thuế nhập khẩu bổ sung đánh lên hàng hóa Trung Quốc sẽ đặt ra một “nguy cơ đáng kể về kinh tế và chính trị” cho chính quyền Trump. “Hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng. Các gia đình Mỹ, đặc biệt là những người có thu nhập thấp hơn, sẽ cảm thấy tác động nhiều hơn lần này so với các gói thuế quan được áp dụng trước đó”, ông Micheal Hirson nhận định.
Rõ ràng, đích ngắm của chính quyền Donald Trump không phải là vấn đề thương mại mà thực sự muốn thay đổi hoàn toàn luật chơi với Bắc Kinh. Với chỉ dấu lạc quan mới đạt được, liệu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có được khép lại hay không?
Nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero - người phụ trách về châu Á của Natixis ở Hong Kong nhận định: “Nếu có được thỏa thuận thì chỉ là bề ngoài, từng phần và ngắn hạn. Những gì diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vượt quá cạnh tranh thương mại đơn thuần. Đó là một cuộc đối đầu trên mọi phương diện giữa 2 siêu cường nhằm thống trị thế giới. Một cuộc xung đột địa - chính trị, hứa hẹn sẽ kéo dài 15 - 20 năm”.