TTIP bị đặt dấu chấm hết?

Theo daibieunhandan.vn

Vào đầu nhiệm kỳ thứ 2 ở Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã khởi động các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Tuy nhiên, khi ông Donald Trump tiếp quản chiếc ghế Tổng thống Mỹ, có nhiều dấu hiệu cho thấy thỏa thuận thương mại đang trong quá trình “thai nghén” này có thể sẽ bị đặt dấu chấm hết.

Các thông tin về TTIP không còn xuất hiện trên trang web của Nhà Trắng có thể là một dấu hiệu Tổng thống Trump đã đặt “dấu chấm hết” cho TTIP. Nguồn: internet.
Các thông tin về TTIP không còn xuất hiện trên trang web của Nhà Trắng có thể là một dấu hiệu Tổng thống Trump đã đặt “dấu chấm hết” cho TTIP. Nguồn: internet.

Những dấu hiệu

Theo tờ Daily Express của Anh, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump từng tuyên bố sẽ “vứt bỏ” thỏa thuận này. Có vẻ như tỷ phú New York đã thực hiện tuyên bố đó chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, các thông tin về TTIP không còn xuất hiện trên trang web của Nhà Trắng. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump đã đặt “dấu chấm hết” cho TTIP. Một dấu hiệu khác là việc giáo sư Ted Malloch, ứng cử viên sáng giá cho vị trí Đại sứ Mỹ ở EU, gần đây tuyên bố TTIP không có triển vọng dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump.

Không chỉ có TTIP, các hiệp định thương mại đa phương hiện tại cũng “khó có đất sống” dưới thời chính quyền mới nếu không được sửa đổi. Washington sẽ tìm cách loại bỏ hoặc yêu cầu các đối tác đàm phán lại các hiệp định này.

Chỉ hai ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặt thỏa thuận mới hình thành hồi tháng 2/2016 tại Wellington, New Zealand, vào một tương lai bất định. Trước đó, chính quyền của người tiền nhiệm Barack Obama vẫn coi TPP là trụ cột trong chính sách “xoay trục” của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng còn khẳng định sẽ tái khởi động quá trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Kịch bản nào cho TTIP?

Theo giới phân tích, với việc rút khỏi TPP, đàm phán lại NAFTA và có thể ngừng các cuộc thương lượng về TTIP, chính quyền của ông Trump đang dần loại bỏ các “di sản” về thương mại tự do của người tiền nhiệm Barack Obama. Với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trên hết”, các chính sách bảo hộ mậu dịch có thể sẽ lên ngôi.

Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa không còn cửa cho TTIP. Giới phân tích gần đây nêu ra một số kịch bản cho số phận của thỏa thuận thương mại này. Cụ thể, trong kịch bản đầu tiên, tân Tổng thống Trump sẽ yêu cầu luật gia Robert Lighthizer, người được chọn làm ứng viên cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ, ngừng các cuộc đàm phán về TTIP với EU. Lúc đó, TTIP chắc chắn sẽ “chết yểu” và có thể gây tác động xấu tới quan hệ Mỹ-EU.

Theo kịch bản thứ hai, TTIP sẽ ra đời dưới dạng phiên bản rút gọn khi bị loại bớt những điều khoản không phù hợp với cam kết tranh cử của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu có thể sẽ không chấp thuận. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu, kể cả ở cấp độ EU lẫn các nước thành viên, đều bày tỏ quan điểm không chấp nhận phiên bản TTIP rút gọn.

Một kịch bản khác là các cuộc đàm phán về TTIP có thể sẽ tiếp diễn nhưng sẽ không được ưu tiên so với các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương, trong đó có thỏa thuận với Anh. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ không “khai tử” TTIP nhưng các cuộc đàm phán sẽ bị “đóng băng” hoặc bị kéo dài. Do vậy, bất cứ thỏa thuận thực chất nào về TTIP sẽ chỉ đạt được sau khi ông Trump rời nhiệm sở. Đây là kịch bản mà Cao ủy Thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom từng nêu ra khi nghe các phát biểu của ông Trump sau khi nhậm chức. Bà Malmstrom cho rằng, nếu không bị khai tử, TTIP cũng sẽ bị gác lại trong thời gian tới.

Trong kịch bản thứ 4, theo tiến sĩ Tereza Novotna, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu châu Âu ở Brussels (Bỉ), sau khi so sánh TTIP với TPP, ông Trump có thể sẽ rút ra kết luận rằng thỏa thuận thương mại với khối thị trường chung lớn nhất thế giới với các tiêu chuẩn cao về lao động không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào cho công ăn, việc làm của người Mỹ. Với tư cách một doanh nhân giàu kinh nghiệm, ông sẽ hồi sinh TTIP dưới một tên gọi khác. Mặc dù các đối tác châu Âu có thể sẽ sốc khi TTIP bị khai tử nhưng họ sẽ sớm nhận ra thỏa thuận mới cũng có những mặt tích cực của nó.

Vậy hồi kết sẽ như thế nào? Rất khó có thể dự báo bởi số phận của thỏa thuận này không chỉ phụ thuộc vào các quyết định của ông Trump và người sẽ giữ vị trí Đại diện Thương mại Mỹ sắp tới, mà còn phụ thuộc vào đa số nghị sĩ của Đảng Cộng hòa.