Tung chiêu hút lại nguồn vốn nhàn rỗi sau Tết

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Như mọi năm, tăng lãi suất gửi tiền tiết kiệm, tung hàng loạt quà tặng khuyến mãi, lì xì đầu năm… là động thái được các ngân hàng áp dụng để hút nguồn tiền nhàn rỗi sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng trước Tết, một lượng tiền khá lớn được các doanh nghiệp rút ra chi lương thưởng, còn người dân thì chi tiêu, mua sắm... Giờ là giai đoạn các ngân hàng lên những chính sách hấp dẫn về lãi suất, khuyến mại... để hút lại nguồn vốn.

Tiền nhàn rỗi có xu hướng quay lại

Trước Tết Nguyên đán, hệ thống các tổ chức tín dụng chi ra khoản tiền rất lớn, điều này có thể làm giảm thanh khoản ngân hàng. Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần 20-31/1, Chứng khoán SSI cho biết lãi suất trên liên ngân hàng tăng trong những ngày qua nhưng mức tăng không quá lớn và vẫn nằm trong khoảng lãi suất điều hành (tín phiếu - OMO). Chốt tháng, lãi suất qua đêm ở mức 3,08%/năm (tăng 126 điểm cơ bản so với tháng trước), lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 3,44%/năm (tăng 62 điểm cơ bản so với tháng trước), chênh lệch lãi suất VND-USD được nới rộng lên mức 1,5% với kỳ hạn qua đêm.

Tuy nhiên, trong ngày thị trường trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã nhanh chóng hút bớt tiền về, giảm thiểu độ trễ cân đối nguồn.

Tính chung sau 5 phiên, tổng lượng vốn nhà điều hành hút bớt về, qua số dư lưu hành tín phiếu hiện hành, đã lên tới xấp xỉ 25.000 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn này đều có kỳ hạn 91 ngày; lãi suất 3 phiên gần đây ở mức 2,65%/năm.

Động thái mau chóng hút tiền về ngay sau Tết được các chuyên gia đánh giá là sự thận trọng của nhà điều hành trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát, nhất là trong tháng 1/2020, NHNN đã mua một lượng khá lớn ngoại tệ, nên thực chất một lượng khá lớn tiền đồng đã được bơm ra thị trường, hỗ trợ nhu cầu tiền mặt trong giai đoạn cao điểm.

Đây được coi là diễn biến bình thường và nằm trong dự báo của nhà đầu tư khi lượng tiền nhàn rỗi sau Tết đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng, giúp thanh khoản của hệ thống đang dư thừa.

Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, từ ngày 30/1, nhiều ngân hàng mở gói lãi suất mới nhằm hút tiền gửi khách hàng. Ví dụ, Techcombank niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 6,2-6,9%/năm (tùy thuộc vào số tiền gửi), ACB là 6,8-7,1%/năm, SHB là 7%/năm, OCB là từ 7,2-7,3%/năm. Tại MSB, lãi suất tiền gửi 6 tháng từ 7,2-7,3%/năm, VPBank niêm yết lãi suất dao động quanh mức 7,1-7,3%/năm…

Với kỳ hạn 12 tháng, CBBank và NamABank đưa ra lãi suất từ 8-8,5%/năm không phụ thuộc số tiền gửi lớn hay nhỏ, là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay. Trong khi đó, một số ngân hàng niêm yết ở mức 7-7,5%/năm, như SHB có mức lãi suất tiền gửi quanh 7%/năm…

Ở kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất tiền gửi phổ biến là trên 8%/năm như Viet Capital Bank là 8,1%/năm, NCB: 8,2%/năm, Eximbank: 8,2%/năm, NamABank: 8,6%/năm... Ngoài ra, lãi suất xấp xỉ 8%/năm ở kỳ hạn 24 tháng còn có ACB từ 7,6-7,8%/năm, OCB 7,8%/năm…

Lãi suất ổn định

Bên cạnh đó, một số ngân hàng tung chiêu hoàn tiền, lì xì mừng tuổi cho khách hàng trong những ngày đầu năm mới. Chẳng hạn, chủ thẻ tín dụng chi tiêu bằng thẻ tín dụng SeABank với hóa đơn tối thiểu 3 triệu đồng tại các cửa hàng của PNJ và AJC sẽ được hoàn tiền 10%, tối đa lên tới 500.000 đồng. Khoản tiền này được hoàn trực tiếp vào tài khoản thẻ tín dụng cho chủ thẻ tín dụng SeABank trong thời gian diễn ra chương trình. Ngoài ra, chủ thẻ còn có thể nhận các ưu đãi khác trên website SeAZone với nhiều lĩnh vực như ăn uống, mua sắm, giải trí…

Nếu so sánh giữa các kênh đầu tư: ngân hàng, chứng khoán, vàng, bất động sản thì gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất có tăng nhẹ song vẫn không thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, việc gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng sẽ mang lại sự an toàn cho khách hàng, đặc biệt là những người e ngại rủi ro, hoặc là kênh tích luỹ ưu thế cho các dòng tiền chưa có kế hoạch đầu tư.

Thực tế, thị trường chứng khoán hiện đang lao dốc do ảnh hưởng của dịch virus corona, trong khi giá vàng dù tăng cao nhưng người dân cũng không mặn mà mua do hàng loạt nguyên nhân như ngân hàng không còn huy động vàng, nếu gửi còn phải trả phí. Đặc biệt, Nghị định 24 ra đời đã khóa chặt cửa đầu cơ vàng, với quy định không cho phép ngân hàng huy động và cho vay vàng, NHNN cũng chặn đứng việc các "tay to" là ngân hàng và công ty vàng tham gia đầu cơ vàng theo kiểu "đánh lên đánh xuống".

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất năm 2020 sẽ tiếp tục ổn định như năm trước, thậm chí nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ khi áp lực huy động của các ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn và đáp ứng chuẩn Basel II giảm.

Theo các chuyên gia của SSI, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất.

VCBS nhận định, lãi suất huy động được dự báo chịu áp lực tăng nhưng mức tăng kỳ vọng không lớn trong khoảng từ 0-50 điểm cơ bản (0-0,5%), tập trung tại các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, lãi suất cho vay kỳ vọng sẽ không có nhiều biến động và duy trì tương đương như mặt bằng hiện tại.