Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản qua sự kế thừa và phát triển của Hồ Chí Minh

PGS., TS. Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Kể từ khi ra đời, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo đã trở thành cương lĩnh chính trị, ngọn cờ cách mạng của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, từng bước hiện thực hóa những nguyên lý cách mạng do Tuyên ngôn đề ra; góp phần khẳng định giá trị, sức sống bất diệt của Tuyên ngôn trong thời đại mới và không gian mới.

Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Nguồn: internet
Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Nguồn: internet

170 năm trước, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo ra đời và nó đã đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác trên cả ba bộ phận cấu thành. Tuyên ngôn cũng là cương lĩnh chính trị đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế - một “cương lĩnh được thừa nhận bởi hàng triệu công nhân từ Xibia đến Caliphoocnia”(1). Vào lúc phong trào công nhân trên thế giới đang dâng cao, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước và sau nhiều tìm tòi, trăn trở, Người quyết định đi theo con đường cách mạng vô sảnmà Tuyên ngôn đã vạch ra. Thấu hiểu cội nguồn sinh thành ra con đường đó, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”(2). Luôn coi “chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”(3), Hồ Chí Minh đã phát triển những luận điểm cơ bản trong Tuyên ngôn thành những nội dung chính yếu trong tư tưởng của mình và cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập, rèn luyện.

Tin tưởng đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh luôn coi Tuyên ngôn là “sách gối đầu giường” của những người cộng sản Việt Nam, đồng thời Người chỉ rõ, một trong những điều làm nên sức sống của chủ nghĩa Mác chính là đặc tính “mở”, tức là khả năng tự đổi mới theo quá trình phát triển của tri thức nhân loại và phong trào cách mạng thế giới. Sinh thời, C.Mác và Ph.Ăngghen đã căn dặn: “Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy thuộc theo hoàn cảnh đương thời”(4). Sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện lịch sử trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, sự khác biệt về không gian văn hóa, về đặc điểm xã hội giữa Việt Nam- một nước phong kiến thuộc địa phương Đông với nơi ra đời của chủ nghĩa Mác... đã đòi hỏi ở Hồ Chí Minh sự sáng tạo mạnh mẽ. Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ năng lực ấy khi kế thừa, phát triển Tuyên ngôn trên một số nội dung chính sau đây:   

Thứ nhất, từ luận điểm về tính tất yếu của chủ nghĩa cộng sản trong Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc và tương lai độc lập dân tộc kết hợp với chủ nghĩa xã hội cho dân tộc Việt Nam. 

Nhấn mạnh vai trò quyết định của sản xuất vật chất đối với sự thay đổi các hình thái kinh tế xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải một cách khoa học quy luật phát triển của lịch sử nhân loại. Với sự khách quan, các ông khẳng định chủ nghĩa tư bản là một nấc thang phát triển của loài người và “giai cấp tư sản đã từng đóng vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”(5). Tuy nhiên, giống như những gì đã xảy ra với các phương thức sản xuất trước kia, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dần dần không còn phù hợp với lực lượng sản xuất hùng mạnh do chính họ tạo ra và “xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”(6). Cội nguồn của mâu thuẫn xã hội chính là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.  Do đó, việc xóa bỏ chế độ tư hữu bằng một cuộc cách mạng vô sản là kết quả tất yếucủa sự vận động lịch sử và cuộc cách mạng này, thực chất có nội dung kinh tế.

Đúng như C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải, “vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp hoàn cầu”(7) và đã đẩy hầu hết các nước phương Đông lạc hậu rơi vào tình trạng nô lệ hoặc lệ thuộc. Trước tình cảnh đó, các nhà yêu nước trên thế giới đã lựa chọn những con đường khác nhau để giải phóng dân tộc mình. Hồ Chí Minh tiếp nhận từ Tuyên ngônluận điểm về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội,chủ nghĩa cộng sản nên đã sớm khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(8).

Tuy nhiên, năng lực sáng tạo và nguyên tắc thực tiễn đã giúp Hồ Chí Minh luận giải tính tất yếu của CNXHmột cách toàn diện hơn.Kế thừa quan điểm duy vật của chủ nghĩa Mác, trước hết, Hồ Chí Minh cũng khẳng định tính tất yếu của CNXH bắt nguồn từ sự phát triển không ngừng của sức sản xuất. Người viết: “Cách sản xuất và sức sản xuất phát triển và biến đổi mãi, do đó mà tư tưởng của người, chế độ xã hội, v.v., cũng phát triển và biến đổi”(9).Không dừng ở góc độ kinh tếnhư C.Mác và Ph.Ăngghen, Hồ Chí Minh còn khẳng định tính tất yếu của CNXH từ lập trường yêu nước và khát vọng giải phóng con người. Người viết: “Dần dầntôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sảnmới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(10). Tính tất yếu của CNXH còn được Hồ Chí Minh nhìn nhận từ nhu cầu phát triển đạo đức bởi chế độ công hữu về tư liệu sản xuất của CNXH sẽ xóa đi mọi hình thức áp bức - cơ sở để xây dựng nền đạo đức mới. Người giải thích: “Đạo lý ngày xưa các cụ nêu lên không phải ai cũng làm được, vì xã hội cũ là xã hội người bóc lột người, khó khuyên người ta làm được điều tốt. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, không còn bóc lột, ai cũng có thể vươn tới đỉnh cao của đạo đức cách mạng”(11). Sự triệt tiêu áp bức, bóc lột cũng tạo cho tất cả mọi người cơ hội tiếp cận văn hóa và sự thành công của mỗi người sẽ được quyết định bởi tài năng, đạo đức của chính họ. Hồ Chí Minh còn khẳng định tính tất yếu của CNXH ở châu Á từ góc độ chính trịkhi cho rằng: “Sự tàn bạocủa chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hộichỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(12).Nhờ việc xem xét tính tất yếu của CNXH một cách toàn diện như vậy, Hồ Chí Minh đã luận giải thuyết phục sự ra đời của CNXH ở một nước có nền kinh tếtiền tư bản chủ nghĩa như Việt Nam. Người khẳng định: “Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là vào châu Âu”(13). Với tư duy sáng tạo, từ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về tính tất yếu của cách mạng vô sản và xã hội cộng sản, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước và phương hướng xây dựng và phát triển đất nướcđúng đắn cho dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, từ phát kiến của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và sự cần thiết phải thành lập đảng cộng sản, Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và vai trò lãnh đạo toàn xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo sự luận giải của C.Mác và Ph.Ăngghen, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản từ một giai cấp tiến bộ đã trở thành một giai cấp phản động, cần phải lật đổ. Tuy nhiên, sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản không diễn ra một cách tự nhiên mà sẽ do giai cấp vô sản đảm nhiệm bởi “trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp còn giai cấp vô sản, lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(14). Như vậy, điều mấu chốt, cơ bản và sâu xa nhất của Tuyên ngônvới tư cách là cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sảnnằm ở chỗ: Nó đã khẳng định vai trò tiên phong, sứ mệnh lật đổ chủ nghĩa tư bản, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thiết lập chủ nghĩa cộng sản trên quy mô toàn thế giới của giai cấp vô sản.

C.Mác và Ph.Ăngghen còn chỉ rõ: Để thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp vô sản phải thành lập được chính đảngvà chỉ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản mới chuyển từ tự phátsang tự giácvà lúc đó, họ mới thực sự là một giai cấp cách mạng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản - bộ tham mưu của giai cấp vô sản do đó sẽ là một tất yếu khách quan. 

Từ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản thế giới, Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh lãnh đạo xã hội của giai cấp công nhân Việt Nam. Theo Người, giai cấp công nhân Việt Nam tuy ra đời muộn và có số lượng ít ỏi nhưng đãtỏ rõ ưu thế, bản lĩnh chính trị so với tất cả các giai cấp khác trong xã hội. Người khẳng định: “Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”(15). Hồ Chí Minh đã tìm ra cho nhân dân Việt Nam lực lượng dẫn đường tiên tiến và giải quyết thành công cuộc khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. 

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen còn lưu ý: Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản mang tính quốc tế nhưng giai cấp vô sản mỗi nước phải hoàn thành nghĩa vụ trước hết với dân tộc mình. Yêu cầu đặt ra là “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(16), tức là việc thành lập các đảng cộng sản phải nên được thực hiện trong phạm vi từng quốc gia - dân tộc và đảng cộng sản mỗi nước phải lãnh đạo không chỉ giai cấp công nhân nước mình mà còn lãnh đạo toàn xã hội. Tuân thủ chỉ dẫn này của C.Mác và Ph.Ăngghen, Hồ Chí Minh đã bền bỉ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ vào công nhân mà còn vào phong trào yêu nước bởi muốn trở thành “dân tộc” theo chỉ dẫn của C.Mác và Ph.Ăngghen ở nơi giai cấp công nhân vô cùng ít ỏi, Đảng Cộng sản Việt Nam phải quy tụ được đông đảo những người dân Việt Nam yêu nước, phải đưa phong trào yêu nước đi theo con đường cách mạng vô sản. Kết quả là, trong sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, có sự tham gia của yếu tố thứ ba - phong trào yêu nước.

Thực hiện chỉ dẫn của C.Mác và Ph.Ăngghen về nghĩa vụ đối với dân tộc của giai cấp công nhân mỗi nướccũng như hiểu rõ đặc điểm của mỗi nướcĐông Dương, Hồ Chí Minh kiên quyếtthành lập ở mỗi nước Đông Dương một đảng cách mạng riêngvà ở Việt Namlà Đảng Cộng sản Việt Nammặc dù Quốc tế Cộng sảnđã yêu cầu chỉ thành lập ở Đông Dương một Đảng Cộng sản duy nhất.

Thứ ba, vận dụng sáng tạo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về đấu tranh giai cấp, Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc.

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Lịch sử của tất cả các xã hội tồn tại từ trước tới nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”(17). Kết luận này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của các nước Tây Âu - nơi vấn đề dân tộc coi như đã được giải quyết xong nhưng cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản lại diễn ra vô cùng gay gắt. Trong hoàn cảnh đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã “đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản”(18). Các ông còn cho rằng giải phóng giai cấp là tiền đề để giải phóng dân tộcnên đã kêu gọi: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”(19).

Mặc dù lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp là luận thuyết trung tâm của chủ nghĩa Mác, nhưng Hồ Chí Minh vẫn hết sức sáng tạo khi vận dụng lý thuyết đó vào Việt Nam vì Người nhận thấy rõ xã hội Việt Nam hoàn toàn khác với xã hội Tây Âu. Do ở Việt Nam, xung đột giữa các giai cấp được giảm thiểu và mâu thuẫn dân tộc dâng cao nên vấn đề dân tộc đương nhiên phải giải quyết trước vấn đề giai cấp, giải phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp, tạo tiền đề cho giải phóng giai cấp. Hồ Chí Minh còn kiên quyết phê phán căn bệnh giáo điều khi tiếp nhận học thuyết đấu tranh giai cấp: “Nghe người ta nói đấu tranh giai cấp, mình cũng ra khẩu hiệu đấu tranh giai cấp, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(20).  

Mặt khác, trung thành với học thuyết đấu tranh giai cấp trong Tuyên ngônnên dù đưa vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết, Hồ Chí Minh vẫn luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, vẫn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân để giải quyết vấn đề dân tộc. Nhờ sự trung thành một cách sáng tạo, Hồ Chí Minh đã tránh được căn bệnh “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản, đã đề ra được cương lĩnh cách mạng nhuần nhuyễn về quan điểm giai cấp, thấm đượm tinh thần dân tộc, đã lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Thứ tư, từ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen vềvai trò tiên phong của những người cộng sản, Hồ Chí Minh đã xây dựng nên hệ tiêu chí về tư cách của đảng chân chính cách mạng và đạo đức cách mạng của người cộng sản Việt Nam.

Do chất lượng đảng viên quyết định sức mạnh của Đảng nên trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra một số phẩm chất mà người cộng sản phải có. Đây là vấn đề Hồ Chí Minh rất quan tâm vì coi trọng đạo đứclà một đặc trưng của văn hóa phương Đông.Chúng ta nhận rõ phầntương đồng và phần phát triểnkhi so sánh quan điểm của Hồ Chí Minh với quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về tiêu chí của người cộng sản. C.Mác và Ph.Ăngghen yêu cầu người cộng sản “không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”(21)thì Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”(22)và mỗi đảng viên của Đảng “phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết”; C.Mác và Ph.Ăngghen yêu cầu người cộng sản phải nắm vững lý luận cách mạng, thấu hiểu tình hình thực tiễn thì Hồ Chí Minh yêu cầu “cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”(23); C.Mác và Ph.Ăngghen yêu cầu “những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất..., là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên”(24) thì Hồ Chí Minh cho rằng  người đảng viên có bổn phận “làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”(25)...

Từ thực tiễn cách mạng phong phú, từ những chỉ dẫn ban đầu trong Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã có riêng học thuyết về đạo đức cách mạngmà ở đó, Người chỉ rõ tầm quan trọng của đạo đức, các chuẩn mực đạo đức, phương pháp tu dưỡng đạo đức, những căn bệnh cần phải đẩy lùi khi Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền... Nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về đạo đứclà một đóng góp lớn của Hồ Chí Minh đối với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. 

Thứ năm, từ quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghenvề vấn đề sở hữu, Hồ Chí Minh chủ trương duy trì ở Việt Nam mô hình kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu trong suốt thời kỳ quá độ.

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: Chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa là cội nguồn của áp bức, bóc lột giai cấp, là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất và thủ tiêu chế độ ấy là yêu cầu khách quan. Để thực hiện nhiệm vụ này, các ông nhấn mạnh: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này: xóa bỏ chế độ tư hữu”(26). Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng quan điểm này của C.Mác và Ph.Ăngghen vì kẻ thù của chủ nghĩa Mác thường vu khống các ông chủ trương “xóa bỏ sở hữu tư nhân”. Ngay trong Tuyên ngôn, các ông đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”(27) và “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(28).

Nhận thức đúng quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, Hồ Chí Minh khẳng định: Con người có quyền sở hữu tài sản.Tư tưởng đó của Người được hiến định ngay ở Điều 12 Hiến pháp 1946  - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được đảm bảo”. Đồng thời, Người còn khẳng định với các nhà báo nước ngoài: “Chúng tôi không quốc hữu hóa không điều kiện; chúng tôi không tịch thu không của người nào cả”(29).

Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen còn căn dặn: Việc xóa bỏ chế độ tư hữu ở các nước khác nhau sẽ diễn ra bằng những biện pháp, bước đi khác nhau. Tán đồng quan điểm đó, Hồ Chí Minh cho rằng: Với một nước mới bắt đầuquá độ lên CNXH như Việt Nam, phải xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần và tương ứng với nó là sự đa dạng về chế độ sở hữuvà nội dung đóphải được hiến định bằng Hiến pháp. Điều 11 Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thể hiện rõ tư tưởng đó của Người. Mặt khác, trong khi duy trì nhiều hình thức sở hữu, Hồ Chí Minh vẫn coi thành phần kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Với định hướng đó, kinh tế nước ta “sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản”(30).

Thứ sáu, từ chiến lược đoàn kết giai cấp của C.Mác và Ph.Ăngghen, Hồ Chí Minh đã xây dựng nên chiến lược đoàn kết toàn dân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

C. Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ, trong cuộc đấu tranh cam go với giai cấp tư sản, muốn thắng lợi thì nhất thiết giai cấp vô sản phải thống nhất ý chí và hành động,  phải xây dựng được tình đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản trên toàn thế giới. Vì vậy, kết thúc bản Tuyên ngôn, các ông đã kêu gọi: “Vô sản các nước liên hiệp lại!”. Đến thời đại đế quốc chủ nghĩa, Lênin đã mở rộng đối tượng đoàn kết khi đưa ra khẩu hiệu mới: “Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.

Từ chủ trương đoàn kết giai cấpcủa chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã xây dựng nên chiến lược đoàn kết của cách mạng Việt Nam và chiến lược này phải được thực thi trong quy mô: toàn Đảng, toàn dân tộc và quốc tế. Trong từng quy mô, Người lại chủ trương mở rộng tối đa lực lượng. Trong phạm vi dân tộc, nếu các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin hoàn toàn chưa chú trọng đến việc đoàn kết với các lực lượng trung gian như tư sản dân tộc, tầng lớp trí thức, trung, tiểu địa chủ... thì Hồ Chí Minh chủ trương đại đoàn kết toàn dân, tức là không phân biệt giai tầng, giới, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, đảng phái... Trên phạm vi quốc tế, Hồ Chí Minh không dừng ở việc đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức như C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin chủ trương mà còn đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, kể cả nhân dân các nước đang tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phẩm chất đầu tiên cần có của người cộng sản là sự trung thành với lý tưởngnhưng càng trung thành thì càng phải đổi mới, sáng tạo; mặt khác sáng tạo đến đâu cũng không được phép rời xa mục tiêu, lý tưởng và những nguyên tắc làm nên bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin. Với tinh thần đó, Hồ Chí Minh đã lựa chọn, tiếp thu một cách sáng tạo những luận điểm cơ bản, thích hợp trong Tuyên ngôncủa Đảng Cộng sản, phát triển nó thành tư tưởng của mình, thành đường lối của Đảng và kiên trì thực hiện đường lối đó trong thực tế. Bằng cách đó, Người đã làm giàu cho Tuyên ngônvà mang lại cho Tuyên ngônmột sức sống mới.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1 năm 2018

(1) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.21, tr.522.

(2), (29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.315, 316.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.120.

(4) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.18, tr.128.

(5), (6), (7), (14), (16), (17), (18), (19), (21), (24), (26), (27), (28) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.4. tr.599, 597, 601, 610, 623-624, 596, 614, 624, 614, 614- 615, 616, 615, 618.

(8), (10), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.30, 563, 407.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.600. 

(11) Hồ Chí Minh:Toàn tập,Sđd, t.15, tr.673.

(12), (13) Hồ Chí Minh:Toàn tập,Sđd, t.1, tr.40, 47. 

(20), (22), (23), (25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.312, 289, 306.

(30) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.294.