Tỷ giá có gây áp lực lên lãi suất?
Gần đây, thị trường ngoại hối đã có những biến động liên tục, với tỷ giá trung tâm liên tiếp được điều chỉnh tăng. Rất nhiều ý kiến cho rằng mức độ điều chỉnh như trên còn chậm so với diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Từ USD sang tiền đồng
Với 5 phiên tăng liên tiếp, tỷ giá của các ngân hàng chốt tuần tăng tổng cộng hơn 1% so với tuần trước đó, trong khi tỷ giá trung tâm tăng thêm 0,25%. Theo các chuyên gia đây là tín hiệu cho thấy đồng USD sẽ khó hạ nhiệt
Trước hết, phải nhìn nhận ,sự biến động của thị trường ngoại hối trong những ngày qua đã khiến một bộ phận nhà đầu tư, dân cư chuyển dòng tiền gửi bằng tiền đồng ở ngân hàng sang nắm giữ USD, với kỳ vọng USD sẽ tiếp tục tăng mạnh trên thị trường thế giới, dẫn đến tỷ giá trong nước phải điều chỉnh theo sau. Sự điều chỉnh tỷ giá liên tục trong ngày của các ngân hàng thương mại (NHTM) những ngày qua đã phản ánh tình hình mua bán USD tại các ngân hàng khá sôi động.
Theo dự tính của các chuyên gia, sự dịch chuyển gửi tiền đồng sang USD có thể tiếp tục diễn ra, từ đó có thể gây áp lực lên thanh khoản tiền đồng. Khi đó, các NHTM có thể phải xem xét điều chỉnh tăng lãi suất tiền đồng đủ mức hấp dẫn để chặn đứng làn song tăng của USD.
Theo Vietcombank, mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay đã giảm đáng kể so với đầu năm nay, sau đợt điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động vốn vào cuối tháng 9 của các NHTM. Sự dư thừa thanh khoản của hệ thống suốt những tháng qua là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào, tiết giảm chi phí vốn.
Sự dịch chuyển ngược lại?
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc trần lãi suất USD giảm về còn 0% đã kích thích một làn sóng bán USD, giữ tiền đồng ở ngân hàng để có lãi suất cao hơn từ cuối năm ngoái, giúp các ngân hàng thừa tiền đồng và đã hạ lãi suất tiền gửi xuống. Điều này cũng giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua được một lượng lớn ngoại tệ từ đầu năm đến nay và nâng dự trữ ngoại hối lên 40 tỉ USD…
Tuy nhiên, nếu USD tiếp tục đi lên như đã nói ở trên, trong khi tiền đồng giảm dần sức hấp dẫn thì không tránh khỏi dòng chảy chuyển dịch ngược trở lại, từ tiền đồng sang USD. Với lạm phát mục tiêu năm nay có thể vượt mức 4%, cao hơn nhiều so với lạm phát bình quân năm 2015 chỉ ở mức 0,63%, trong khi lãi suất gửi tiền đồng năm nay đã giảm nhiều so với năm trước thì kênh tiền gửi ngân hàng đã phần nào giảm đi sức hấp dẫn.
Trong khi đó, tỷ giá tăng cũng khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn, chỉ số giá nhập khẩu tăng lên từ đó phần nào cũng gây áp lực lên lạm phát.
Một vấn đề khác cũng cần nhắc đến là sự dư thừa thanh khoản tiền đồng của hệ thống đã giảm dần trong thời gian gần đây, một phần do các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng, một phần do lượng tiền gửi được rút ra để kinh doanh hoặc đáp ứng nhu cầu thanh toán cuối năm.
Hiện lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã quay trở lại mốc trên 1% trong bối cảnh nhu cầu vay mượn của các ngân hàng tăng lên, trong khi NHNN cũng đang quay trở lại bơm ròng trên thị trường tín phiếu.