Tỷ giá đứng im, vay ngoại tệ đang hấp dẫn
Tỷ giá đứng im, và điều này “vô tình” khiến việc vay ngoại tệ trở lên bớt rủi ro và đặc biệt là có chi phí rất thấp so với vay VND.
Lôi kéo khách hàng gửi tiết kiệm USD…
Điện thoại, gặp gỡ nhằm chào mời khách hàng gửi tiết kiệm ngoại tệ đang được một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ triển khai. Chỉ có điều người gửi tiền không phải chịu lãi suất 0%/năm như quy định, mà vẫn được quy đổi ra giá trị tiền VND và được hưởng lãi suất như tiết kiệm nội tệ.
Đó là cách mà một số ngân hàng thực hiện để khuyến khích người dân rút ngoại tệ trong két ra gửi ngân hàng, vì trước đó, với quy định lãi suất gửi 0%/năm, người dân nắm giữ ngoại tệ không mặn mà mang tiền đi gửi.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng khẳng định: “Đây là một cách ‘lách luật’ và chỉ phù hợp trong tình huống nhất thời khi ngân hàng cần thiết một lượng ngoại tệ, còn huy động theo phương thức này ở quy mô lớn thì ngân hàng sẽ chịu lỗ vì khi hạch toán thì lãi suất với khoản ngoại tệ huy động được vẫn phải là 0%”.
“Có thể ở trường hợp một ngân hàng đang phải thu xếp vốn cho một dự án cho vay bằng ngoại tệ nên cần nguồn bổ sung lớn đã áp dụng giải pháp này”, vị lãnh đạo trên cho biết.
“Nhìn trên tổng thể thị trường thì nguồn vốn ngoại tệ khá ổn định thể hiện ở lượng huy động dư dả đáp ứng nhu cầu cho vay, chứ không có chuyện thiếu hụt khiến phải huy động bằng mọi giá”.
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, đến cuối tháng 8/2017, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng gần 12% so với cuối năm 2016. Tin dụng bằng nội tệ chiếm tới 91,5% tổng cho vay nền kinh tế, tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm 8,5%. Điều này cho thấy, giá trị tuyệt đối của cho vay bằng ngoại tệ không lớn.
Mọi thứ đều có vẻ bình thường, việc một vài ngân hàng nhỏ huy động ngoại tệ trả lãi bằng mức huy động ngoại tệ dường như chỉ là trường hợp cá biệt. Nhưng thực sự có phải như vậy?
Trong báo cáo của mình, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý “tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn nhiều so với cùng kỳ”. Số liệu mà cơ quan này cho thấy, tín dụng ngoại tệ ước tăng gần 12% sau 8 tháng, và cao hơn đáng kể so với mức 1,7% của cùng kỳ năm 2016, và tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng cổ phần.
… Cho vay ngoại tệ đang hấp dẫn
Nhìn vào diễn biến thị trường tiền tệ đang thấy rõ một câu chuyện tỷ giá gần như đang đứng im. Điều này có sự tác động từ thị trường quốc tế khi đồng USD đang mất giá trở lại so với các ngoại tệ khác, điều này làm giảm sức ép tăng tỷ giá USD/VND tại Việt Nam.
Tỷ giá đứng im và lãi suất cho vay ngoại tệ lại thấp hơn đáng kể so với cho vay bằng VND đang khiến các khoản vay bằng ngoại tệ vô tình rẻ đi khá nhiều. Nếu như trước đây, khi vay bằng ngoại tệ, người vay ngoài lãi suất phải trả thì luôn phải “canh” tỷ giá tăng, vì những cú mất giá mạnh khiến phương án vay hoàn toàn đổ bể do chi phí tăng.
Hiện tại, về ngắn hạn, câu chuyện này dường như không phải là nỗi lo quá lớn.
Khảo sát thị trường cho thấy, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng. Tính đến ngày 22/08/2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.448 VND/USD, tăng 1,3% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại giảm 0,18%, còn tỷ giá thị trường tự do đã giảm 1,56% so với đầu năm.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chỉ số Bloomberg Dollar Index đã giảm 9,3% so với 31/12/2016, khiến tỷ giá VND/USD giảm đi rất nhiều áp lực. Tính đến cuối tháng 5/2017, chỉ số REER (gốc 2011) ở mức 92.5. Do vậy, một lãnh đạo cơ quan này thậm chí còn đề xuất về một lộ trình để điều chỉnh tỷ giá trung tâm nhằm hỗ trợ xuất khẩu và tránh các cú sốc trong tương lai khi đồng USD tăng giá trở lại.
Tỷ giá giao dịch thực tế giảm, lãi suất thấp khiến các doanh nghiệp đủ điều kiện được vay ngoại tệ (có nguồn thu ngoại hối và một số đối tượng được vay theo chương trình của Chính phủ) yên tâm hơn với các khoản vay của mình. Nhưng thực tế thị trường cho thấy, trước mối lợi là các khoản vay lãi suất thấp, rất có thể sẽ xuất hiện trở lại tình trạng những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay ngoại tệ cũng đàm phán với ngân hàng tìm cách lách để vay, thay vì vay bằng nội tệ như thông thường.
Đừng đùa với tỷ giá
Theo phân tích của một chuyên gia tài chính, về cân đối ngoại tệ thì Việt Nam nhiều năm qua luôn ở tình trạng thặng dư cán cân tổng thể. Nhưng điều này không có nghĩa tỷ giá sẽ ổn định, và thực tế chứng minh tỷ giá có giai đoạn chững lại hoặc giảm, nhưng về dài hạn thì đồng VND luôn mất giá so với USD.
Tác động tới tỷ giá thì có nhiều nguyên nhân, nhưng theo phân tích của chuyên gia này, lý do lớn nhất vẫn là lạm phát. Dù lạm phát ở Việt Nam hiện tại được đánh giá là ổn định, nhưng nếu so với các nước khác thì vẫn cao, gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba.
“Đồng Việt Nam đang tự mất giá vì lạm phát, nên khi so sánh với các ngoại tệ khác mà đặc biệt là USD nơi mà nước in ra đồng tiền này lắm phát chỉ dưới 2%/năm, thì đương nhiên đồng VND cũng phải giảm giá tương ứng”, vị chuyên gia trên cho biết.
Như vậy là trong điều kiện bình thường thì tỷ giá vốn dĩ đã chịu sức ép “tăng tự nhiên”, và nếu chỉ một biến cố trên thị trường tiền tệ thế giới thì tỷ giá sẽ nhận thêm sức ép.
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất trở lại cách đây 2 năm, điều này đã xảy ra, và nếu Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa theo lộ trình thì tỷ giá VND/USD khó đứng yên..
“Nếu nhìn vào câu chuyện đã qua cho thấy, rủi ro vay ngoại tệ vẫn hiện hữu dù hiện tại tỷ giá không tăng, nhưng nếu Fed tăng lãi suất thì tỷ giá hoàn toàn có thể tăng lên, khi đó doanh nghiệp vay ngoại tệ phải trả lãi kép là lãi ngân hàng và cùng với đó là phần trượt giá”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.