Tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường
Với quyết định hạ giá mua vào USD trên Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và thay đổi phương thức mua kỳ hạn sang giao vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, giới chuyên môn cho rằng, đây là bước đi phù hợp với diễn biến tỷ giá cũng như cung cầu ngoại tệ trên thị trường, đồng thời, tiếp tục góp phần ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) hạ lãi suất.
Hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện hạ lãi suất
Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, bắt đầu từ ngày 11/8/2021, giá mua vào USD trên Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và giá thực hiện cho hợp đồng USD giao ngay (ngừng mua ngoại tệ kỳ hạn) là 22.750 VND/USD, giảm 225 đồng/USD so với trước đó (22.975 VND/USD).
Trước đó, vào đầu tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành điều chỉnh giảm giá mua ngoại tệ xuống còn 22.975 VND/USD (giảm 50 đồng so với phiên hôm trước).
Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, nhà điều hành đã 2 lần giảm giá mua vào ngoại tệ với các bước giảm rất mạnh như trên.
Ngay sau quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, diễn biến tỷ giá trên thị trường vẫn duy trì sự ổn định. Thống kê cho thấy, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giữ nguyên trong ngày 11/8 ở mức 22.949 VND/USD. Tỷ giá USD/VND niêm yết của các NHTM điều chỉnh giảm 100 đồng/USD ở cả 2 chiều mua bán so với phiên trước, xuống mức 22.670/22.900 VND/USD. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở mức 23.900 VND/USD.
Còn tính chung cả tuần (từ ngày 9-13/8), diễn biến tỷ giá cũng khá ổn định, cung–cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn khá cân bằng. Cụ thể, trong tuần, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 2 phiên đầu tuần và giảm mạnh 3 phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.145 VND/USD, giảm mạnh 22 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Còn tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết trong 2 phiên đầu tuần ở mức 22.975 đồng, sau đó Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 22.750 đồng. Tỷ giá bán được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Chốt phiên cuối tuần, tỷ giá bán tăng nhẹ ở mức 23.789 VND/USD.
Mặc dù tăng khá mạnh phiên cuối tuần, tỷ giá liên ngân hàng vẫn giảm mạnh trong tuần qua. Cụ thể, chốt phiên cuối tuần (ngày 13/8), tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 22.840 VND/USD, giảm 86 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do không biến động khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, chốt tuần giao dịch tại 23.200 VND/USD ở chiều mua vào và 23.250 VND/USD ở chiều bán ra.
Diễn biến tỷ giá tuần qua cho thấy, quyết định hạ giá mua vào USD trên Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và thay đổi phương thức mua kỳ hạn sang giao ngay là sự điều chỉnh hợp lý, ngay sau khi Việt Nam và Mỹ đã đạt được những bước tiến tích cực trong vấn đề “thao túng tiền tệ”.
Các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, với quyết định ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn, quay trở lại sử dụng công cụ mua giao ngay vừa được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, có thể tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ, như: ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện cho các NHTM hạ lãi suất.
Các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhìn nhận động thái của Ngân hàng Nhà nước là tích cực, sẽ sẽ giúp bổ sung lượng thanh khoản đáng kể cho hệ thống ngân hàng.
Có 2 lý do được VCBS đưa ra giải thích cho nhận định trên, đó là: (i) trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì “bộ đệm” thanh khoản dồi dào hơn là cần thiết nhằm đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống ngân hàng, cũng như thị trường tài chính; (ii) cùng với đó, có thể thấy việc thanh khoản dồi dào hơn, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp hơn là căn cứ để các NHTM tiếp tục tiến hành các chương trình giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Tỷ giá nhích tăng nhẹ về cuối năm
Nhìn lại thị trường ngoại hối liên ngân hàng trong suốt quý II/2021 vừa qua cho thấy sự ổn định khi tỷ giá USD/VND liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp 22.950 - 23.100 VND/USD. Sự ổn định của tỷ giá trên thị trường được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, cụ thể:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho thấy thay đổi mạnh mẽ trong chính sách điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt và có tính thị trường cao. Cụ thể, vào đầu tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá mua vào ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng thêm 150 điểm về mức 22.975 VND/USD (từ 23.125 VND/USD xuống còn 22.975 VND/USD). Động thái này là sự dịch chuyển cần thiết nhằm phù hợp hơn với bối cảnh kinh tế vĩ mô khi cung cầu ngoại tệ dồi dào, dự trữ ngoại hối quốc gia trên đà cải thiện hay đồng tiền nhiều quốc gia đã tăng giá mạnh so với đồng USD kể từ năm 2020 đến nay.
Thứ hai, cung-cầu ngoại tệ trong nước vẫn khá tích cực. Mặc dù cán cân thương mại hàng hóa chuyển sang thâm hụt khoảng hơn 4 tỷ USD, các cấu phần quan trọng khác của cân đối cung - cầu vẫn đạt tích cực. Cụ thể, giải ngân FDI đạt 5,1 tỷ USD - tăng 6% so với cùng kỳ; các thương vụ M&A, mua bán cổ phần lớn của SK Group mua Vincommerce (410 triệu USD), Alibaba mua CrownX (400 triệu USD) hay các thương vụ phát hành trái phiếu quốc tế của Vingroup (500 triệu USD), BIM group (200 triệu USD). Trong báo cáo vừa công bố, Nhóm Nghiên cứu phân tích Ban Kinh doanh Vốn & Tiền tệ thuộc BIDV ước tính cân đối cung-cầu ngoại tệ trong quý II/2021 đạt khoảng 1,8-2,0 tỷ USD nghiêng về phía cung.
Thứ ba, trên thị trường quốc tế, đồng USD cơ bản có xu hướng đi ngang và không tạo ra nhiều tác động đối với tỷ giá trong nước. Chỉ số DXY giảm khoảng 3% từ mức 92 điểm trong tháng 4-5/2021, trước khi tăng trở lại khoảng 3% trong tháng 6/2021, dao động cả quý II/2021 trong khoảng 89-93 điểm.
Với các diễn biến trên thị trường, Nhóm Nghiên cứu phân tích Ban Kinh doanh Vốn & Tiền tệ thuộc BIDV dự báo: "Tỷ giá USD/VND dự kiến tiếp tục duy trì ổn định trong quý III/2021, với biên độ dao động chủ đạo quanh khoảng 22.900 - 23.050 VND/USD"
Theo đó, các yếu tố chính tác động lên tỷ giá trong quý III/2021 có thể kể đến như: Áp lực từ thị trường quốc tế (dự báo chưa đáng lo ngại); cung-cầu ngoại tệ dự kiến duy trì thặng dư (dự bao cân đối cung cầu ngoại tệ trong quý III/2021 thặng dư khoảng 2 tỷ USD, nhờ thặng dư từ cán cân thương mại, hoạt động M&A, phát hành trái phiếu...).
Đánh giá chung cho cả năm, giới chuyên môn dự báo, tỷ giá sẽ tăng nhẹ so với năm 2020. Theo các chuyên gia của KBSV, với việc Việt Nam đã thành công trong việc đàm phán với Mỹ để không bị gắn mác thao túng tiền tệ nhờ những lý do chính đáng và cần thiết để xây dựng dự trữ ngoại hối, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực hoạt động mua vào ngoại tệ trong thời gian tới, thay vì dè dặt như trong 7 tháng đầu năm (chỉ mua vào khoảng 7-8 tỷ USD). Điều này có thể giúp tỷ giá USD/VND tăng trở lại, giúp giảm tải khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Các chuyên gia của VCBS cũng đánh giá tỷ giá USD/VND sẽ tăng trở lại nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. "VND sẽ có xu hướng mạnh lên so với đồng USD với mức biến động không quá 2% trong năm nay", VCBS dự báo.