Ứng dụng máy móc công nghệ cao, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

Theo T. My - H. Đào/ Báo Bình Dương

Việc tái chế rác thải để làm phân bón hữu cơ và việc sử dụng xơ dừa trong trồng trọt và chăn nuôi từ việc tận dụng vỏ dừa qua sử dụng. Xơ dừa làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, cần được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công để phát triển công nghệ trong việc sơ chế xơ dừa là động lực lớn để phát triển mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

HTX Tân Hiệp (TX.Tân Uyên) ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền xay xơ dừa phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: TM
HTX Tân Hiệp (TX.Tân Uyên) ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền xay xơ dừa phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Ảnh: TM

Mô hình hữu ích

TX.Tân Uyên là địa bàn có dân cư đông, vì thế nguồn rác thải hữu cơ, sinh hoạt thải ra mỗi ngày rất lớn. Chính vì thế việc nghiên cứu những giải pháp để tái chế hiệu quả nguồn rác hữu cơ trên địa bàn được phường Tân Hiệp rất chú trọng.

Qua tìm hiểu, học hỏi, xét thấy xơ dừa có nhiều công dụng trong nông nghiệp. Vì là chất tự nhiên nên nó thân thiện với môi trường và không gây hại cho vật nuôi. Đó là một chất tái tạo, thân thiện với môi trường đang được phổ biến trong nhiều mục đích sử dụng chính. Xơ dừa có thể có nhiều dạng khác nhau, bao gồm mụn dừa, xơ dừa làm chất cải tạo đất, giá thể trồng cây.

Ngoài ra, còn có nhiều cách sử dụng xơ dừa trong nông nghiệp, chẳng hạn như sử dụng làm phân bón, lớp phủ nền và một cách để giúp bảo tồn nguồn nước. Việc HTX Tân Hiệp ra đời để tái sản xuất từ nguồn rác thải hữu cơ trên địa bàn được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện. Qua đó, bước đầu tạo ra một mô hình sản xuất hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường, mở ra hướng phát triển xanh cho TX.Tân Uyên.

Ông Lê Quốc Sinh - thành viên HTX Tân Hiệp cho biết thời gian qua, HTX sử dụng máy móc sản xuất hiện đại, liên tục cải tiến và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật HTX đã cho ra đời sản phẩm xơ dừa gồm 2 loại: Mụn xơ dừa, viên nén xơ dừa. Sản phẩm xơ dừa của HTX đã cung cấp cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như những trang trại lớn, các hộ trồng cây kiểng ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước…

Định hướng phát triển trong thời gian tới HTX sẽ đưa sản phẩm ra các tỉnh miền Bắc, miền Trung Tây nguyên để phục vụ nhu cầu trong ngành nông nghiệp. Với đội ngũ kinh doanh là các thành viên tham gia HTX năng động, nhiệt tình… góp phần đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, giảm bớt các nhà phân phối trung gian, giảm giá thành sản phẩm, giúp bà con nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc được hỗ trợ máy móc sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công (Sở Công thương) là nguồn động viên rất lớn để HTX vươn lên, thực hiện các kế hoạch kinh doanh gắn với các phương án phát triển, bảo vệ môi trường của mình

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết qua khảo sát chúng tôi nhận thấy đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền xay xơ dừa phục vụ trồng trọt và chăn nuôi” cho HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Tân Hiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc hỗ trợ giúp HTX có thêm điều kiện ứng dụng máy móc tiên tiến vào khâu sản xuất nhằm góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, đáp ứng cường độ lao động sản xuất hiện đại, giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với hạ giá bán sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đồng thời việc hỗ trợ giúp HTX có thêm điều kiện ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong việc tạo ra một sản phẩm tốt cho ngành nông nghiệp. Sự thành công của đề án sẽ góp phần phát triển mặt hàng xơ dừa, tận dụng tối đa các nguyên liệu từ cây dừa tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Đầu tư máy móc thiết bị trong dây chuyền xay xơ dừa sẽ giúp HTX tiết kiệm chi phí sản xuất, đẩy nhanh quá trình sản xuất và tạo ra được sản phẩm mới (viên nén xơ dừa) mà máy cũ không thực hiện được chức năng này. Máy móc thiết bị mới 100% tạo ra sản phẩm phục vụ ngành trồng trọt và chăn nuôi. Hỗ trợ các chủ trang trại giảm thiểu các vấn đề dịch bệnh trong chăn nuôi, giảm chi phí đầu tư, ngoài ra, giúp việc trồng trọt dễ dàng hơn bao giờ hết.

Bước ngoặt lớn

Ông Nguyễn Tấn Quốc - Chủ tịch Hội Nông dân TX.Tân Uyên, đánh giá đây là hình thức đầu tư mang tính khả thi đáp ứng nhu cầu các đơn hàng và có thể mở rộng sản xuất của HTX trong thời gian tới. Đề án mang lại hiệu quả rõ rệt khi đầu tư máy móc, thiết bị mới thay cho máy móc thiết bị cũ, trước đây khi thực hiện công đoạn xay xơ dừa phải tiến hành phơi khô vỏ dừa vì máy cũ không thực hiện được công đoạn tách nước. Việc đầu tư máy mới có tác dụng vừa xay vừa tách nước sấy khô, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đầu tư máy móc trong dây chuyền xay xơ dừa góp phần tăng nguồn thu nhập cho HTX, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người lao động góp phần giải quyết vấn đề an sinh cho địa phương.

Khi chưa đầu tư hệ thống máy xay xơ dừa, với máy cũ HTX chỉ tạo ra được một loại xơ dừa (trộn lẫn xơ chỉ và xơ mụn) vừa không phân loại được từng loại xơ dừa vừa không đáp ứng được nhu cầu các đơn hàng theo yêu cầu của khách hàng (máy cũ chỉ đạt 15 tấn/tháng). Sau khi đầu tư mới hệ thống máy xay, ngoài việc khắc phục được những hạn chế đã nêu, máy mới đầu tư mang lại hiệu quả rất lớn giúp tăng sản lượng sản xuất trung bình 50 tấn/ tháng, vừa phân loại, vừa tạo ra thêm loại viên nén xơ dừa, góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.

Về mặt kinh tế, sau khi đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, HTX sẽ sản xuất thêm một dòng sản phẩm mới (viên nén xơ dừa), giúp người nông dân có thêm sự lựa chọn và trải nghiệm dòng sản phẩm chất lượng. Ngoài ra, việc đầu tư máy móc mới sẽ cải thiện rõ rệt như tăng năng suất (từ 15 tấn/tháng lên 50 tấn/tháng), chất lượng sản phẩm giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh… từ đó bảo đảm doanh thu, tăng lợi nhuận, phát huy hiệu quả kinh tế tập thể.

Về mặt xã hội, cùng với việc tăng doanh thu, nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước được HTX bảo đảm thực hiện góp phần cải tạo và đóng góp cho xã hội giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ đó, thu hút được nhiều cá nhân tham gia HTX, phát triển bền vững mô hình sản xuất xanh.

Về hình thức đầu tư, “hệ thống máy xay xơ dừa” có xuất xứ Việt Nam, mới 100%, theo hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng với đơn vị cung cấp. Tổng chi phí đầu tư 664 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ là 300 triệu đồng.