Ứng dụng quản lý thuế tập trung: Nhanh chóng khắc phục những lúng túng ban đầu
Năm 2016, ngành Thuế cả nước thực hiện Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng,thu nhập cá nhân đối với các cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanhvà Quy trình quản lý thuế hộ khoán ban hành kèm theo Quyết định số 2371/QĐ-TCT với số lượng tờ khai hộ khoán tương đối lớn, giảm nhiều thời gian và nhân lực. Đặc biệt việc Tổng cục Thuế đưa ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) để quản lý thu thuế, đã tạo ra một bước đột phá trong cải cách hành chính.
Kết quả tương đối khả quan
Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thuế, đến nay đã có 710/712 chi cục thuế thực hiện lập Bộ thuế khoán năm 2016 trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (ứng dụng TMS) với số lượng hộ kinh doanh là hơn 1,46 triệu hộ, số hộ sử dụng hóa đơn quyển hơn 81,1 nghìn hộ, số thuế khoán đã lập bộ 1 tháng (không bao gồm thuế do sử dụng hóa đơn) là hơn 614,5 tỷ đồng/tháng, tương đương số thuế khoán 1 năm của cả nước hơn 7.374 tỷ đồng/năm.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, nhiều địa phương đạt thành tích cao trong việc đưa ứng dụng TMS vào thực tiễn. Đơn cử một tỉnh miền núi phía bắc là Hà Giang tính đến ngày 22/12/2015 đã có 5.854/5.911 tờ khai được nhập vào ứng dụng TMS, đạt 99% số hộ lập sổ thuế khoán. Nhiều chi cục thuế của tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện hiệu chỉnh tờ khai thuế khoán sau khi có kết quả tham vấn của hội đồng tư vấn xã/phường.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, qua công tác hỗ trợ trực tiếp tại địa phương thì vẫn còn một số chi cục thuế quản lý thu thuế hộ kinh doanh ngoài ứng dụng TMS, bởi một số lý do như không xác định được đối tượng để cấp mã số thuế đối với hộ kinh doanh tại khu vực chợ tạm, khu vực giải tỏa, cá nhân kinh doanh biến động thường xuyên,…
Đề cập tới việc quản lý doanh thu của hộ khoán sử dụng hóa đơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Cao Anh Tuấn cho biết, để tránh lợi dụng việc ấn định mức thuế khoán thấp và xuất hóa đơn không đúng thực tế, làm giảm số thuế phải nộp của hộ kinh doanh, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo tại Điểm 3, Công văn số 16906/BTC/BTC-TCT với nội dung “trong quá trình quản lý nếu phát hiện hộ kinh doanh phát sinh doanh thu do sử dụng hóa đơn quyển của năm 2016 biến động lớn so với năm trước, cơ quan Thuế thực hiện khảo sát thực tế tại địa bàn, kiểm tra, xác minh, tham vấn ý kiến hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để điều chỉnh doanh thu khoán năm 2016 cho phù hợp các hộ có cùng quy mô, ngành nghề kinh doanh trên cùng địa bàn”.
Hơn nữa, để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đề nghị các cục thuế căn cứ số liệu lập bộ thuế khoán trên ứng dụng TMS để bám sát sự chỉ đạo việc sử dụng hóa đơn của hộ khoán đảm bảo thu sát, tránh lợi dụng.
Vẫn còn nhiều lỗi trên ứng dụng
Theo tổng hợp từ một số cục thuế địa phương, tính tới tháng 3/2016, vẫn xảy ra khá nhiều lỗi trên ứng dụng TMS, như: Đối với 710 chi cục thuế đã thực hiện lập bộ trên ứng dụng TMS nhưng đều mắc nhiều lỗi trong thao tác do chưa quen thực hiện trên ứng dụng theo quy trình mới dẫn đến tình trạng Tổng cục Thuế phải hỗ trợ hủy tờ khai trên ứng dụng nhiều lần để làm lại. Hoặc để kịp tiến độ, nhiều chi cục thuế thực hiện ngoài ứng dụng trước sau đó mới nhập vào ứng dụng nên các mốc thời gian bị trễ nhiều so với quy định tại Thông tư số 92/TT-BTC cũng như quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh.
Hơn nữa theo số liệu thống kê, có 197 chi cục thuế có tỷ lệ lập bộ thuế chưa đạt 100% so với số lượng đã nhập vào ứng dụng. Chính vì vậy vẫn còn tình trạng tờ khai trên ứng dụng đang ở trạng thái tờ khai và dự kiến chưa duyệt bộ.
Cũng theo Tổng cục Thuế, có 31 chi cục thuế có tỷ lệ công khai trên website cao hơn tỷ lệ lập bộ vì mắc lỗi hủy tờ khai trên ứng dụng TMS nhưng chưa thực hiện hủy công khai trên website. Ngoài ra còn có một số chi cục thuế tồn tại tình trạng hộ kinh doanh không sử dụng hóa đơn quyển nhưng lập bộ trên ứng dụng TMS với doanh thu khoán bằng không…/.