Ưu tiên cân đối chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường

Trần Huyền

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) còn nhiều khó khăn và phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác của Đất nước, cân đối chi NSNN cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong những năm qua luôn được ưu tiên bố trí, đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Gửi tới sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hợp lý theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả, khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ tài nguyên, môi trường, giảm gánh nặng đầu tư từ NSNN.

Trước kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết, nội dung “tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư và chi trả” không thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã trả lời cử tri về một số nội dung liên quan đến của quản lý của Bộ Tài chính đối với nguồn lực tài chính đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó, về nguồn lực chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính thông tin, trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn và phải ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác của Đất nước; cân đối chi NSNN cho sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn trong những năm qua luôn được bố trí ưu tiên hơn so với các lĩnh vực chi khác và đã đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối.

Đồng thời, đảm bảo bố trí tối thiểu bằng 1% tổng chi NSNN cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường theo Quyết định số 34/2005/QĐ- TTg ngày 22/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhằm thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách cho bảo vệ môi trường như: Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyển khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP; Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 6/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 về Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường...

Đối với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường, theo Bộ Tài chính, đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá) để làm giảm áp lực chi NSNN theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Về việc bố trí nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ tài nguyên, môi trường, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao chủ trì tham mưu cho Chính phủ trong công tác nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về đầu tư; trong đó có chính sách huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Với chức trách nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương để đánh giá các tồn tại vướng mắc trong cơ chế chính sách về đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định như: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Đầu tư công số 39/2021/QH15, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, trong đó quy định danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường.