Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam
Theo các chuyên gia, việc chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh ở Việt Nam trong thời gian còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hóa giải những vấn đề đó, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính tổng thể.
Nhiều thách thức trong phát triển năng lượng xanh
Năng lượng xanh còn được gọi là năng lượng tái tạo, là loại năng lượng được tạo ra từ các nguồn tài nguyên tự nhiên không giới hạn hoặc tái tạo được trong quá trình ngắn so với thời gian mà nó được sử dụng.
Năng lượng xanh không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng của mỗi quốc gia, mà còn là giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Đồng thời, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); tham gia Nhóm các đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Quy hoạch ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9% - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050; tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5% - 71,5%.
Tuy nhiên, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là việc làm không dễ, bởi các hệ thống cung cấp năng lượng xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều khó khăn trong đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định...
Làm gì để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh?
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, các chuyên gia cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch này.
Ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong xây dựng một hành trình phát triển bền vững nhằm tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch, an toàn.
Để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển bền vững cần tập trung vào các nội dung: Thị trường năng lượng, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu.
“Để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, thì ngay từ bây giờ chúng ta phải tập trung vào sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo, nhiệt điện sinh khối; quan tâm đến vấn đề tồn trữ năng lượng vì chúng ta có thế mạnh về thủy điện; đồng thời, cần tập trung vào công nghệ thu hồi và lưu trữ các-bon”, ông Lê Anh Tuấn khuyến nghị.
Ở khía cạnh khác, ông Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, việc xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình triển khai cụ thể cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh gồm hydro sạch, giao thông, logistics xanh là rất quan trọng. Cùng với đó, các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp triển khai hoàn thiện hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Hệ thống phân loại xanh cần có danh sách chi tiết các chủ đề, lĩnh vực và dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh, các tiêu chuẩn kỹ thuật theo ngành cụ thể như mức phát thải khí nhà kính và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, cùng với quy trình xác minh, chứng nhận và hướng dẫn cho các bên liên quan.
Trong khi đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của Hệ thống giao dịch phát thải (ETS), ông Vũ Minh Pháp - Viện Khoa học Công nghệ năng lượng và Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, trên thế giới, cả Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) và Tập đoàn Dầu khí Shell (Anh) đã triển khai Hệ thống ETS nội bộ từ những năm đầu thế kỷ XX. Hệ thống ETS giúp hai tập đoàn này tạo ra các tiêu chuẩn, quy trình hiệu quả trong quản lý phát thải và giao dịch các - bon.
Qua kinh nghiệm của hai tập đoàn trên, ông Vũ Minh Pháp cho rằng, các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam có thể xây dựng lộ trình để triển khai và ngừng vận hành Hệ thống ETS nội bộ khi đánh giá các đơn vị thành viên đã đủ kinh nghiệm để tham gia thị trường các-bon bắt buộc.
Việc vận hành hệ thống này sẽ giúp tối ưu hóa quá trình chuyển đổi và đảm bảo sự liên tục trong quản lý phát thải và tham gia các thị trường phát thải khí nhà kính...