Ủy ban Giám sát tài chính: “Cần tiếp tục bám sát tình hình tỷ giá”
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, từ nay đến cuối năm 2018, vấn đề tỷ giá cần lưu ý đó là đồng USD đang xu hướng tăng trở lại và FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2018.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - tài chính tháng 5/2018.
Đã xử lý được 20 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Báo cáo cho biết, tính đến cuối tháng 5/2018, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 6,2% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,3%). Trong đó, huy động VND tăng 7,4%, huy động ngoại tệ giảm 3,1%. Vốn huy động VND chiếm 91,3% trong cơ cấu huy động theo loại tiền của hệ thống TCTD (cuối năm 2017 là 90,3%).
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 5, tín dụng tăng khoảng 5,8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,9%).
Tín dụng VND ước tăng 5,6%, chiếm 91,9% tổng tín dụng; tín dụng bằng ngoại tệ tăng 8%, nhưng chỉ chiếm 8,1% tổng tín dụng.
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn giảm nhẹ. Trong 5 tháng đầu năm 2018, tín dụng trung dài hạn tăng khoảng 5,4%, tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 6,5%.
Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn chiếm 52,7% tổng tín dụng, không biến động so với cuối năm 2017.
Cơ cấu cho vay một số ngành nghề kinh tế thay đổi nhẹ. Tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm còn 16,6% (cuối năm 2017 là 17,0%). Tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản tăng nhẹ lên mức 16,3% (cuối năm 2017 là 16,0%).
Về nợ xấu, NFSC cho biết, tỷ lệ nợ xấu đã giảm so với cuối năm 2017.
Cụ thể, đến cuối tháng 5/2018, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo khoảng 2,3% (cuối năm 2017 là 2,5%). Trong 4 tháng đầu năm 2018, hệ thống TCTD tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu, chủ yếu bằng sử dụng dự phòng rủi ro.
Cụ thể là hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 20 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý bằng dự phòng rủi ro chiếm 62,9%; khách hàng trả nợ chiếm 28,8%; bán cho VAMC 4,3%; phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chỉ chiếm 1,9%; còn lại là xử lý nợ xấu bằng các hình thức khác.
Thanh khoản vẫn tương đối dồi dào
Cũng theo NFSC, thanh khoản hệ thống vẫn tương đối dồi dào nhờ việc NHNN mua lượng lớn ngoại tệ bổ sung vào dự trữ ngoại hối.
Đến cuối tháng 5/2018, LDR bình quân ở mức 88,3% (cuối năm 2017 là 87,8%). Trong đó, LDR bằng VND là 88,8%; LDR bằng ngoại tệ là 82,8% (cuối năm 2017 lần lượt là 89,6% và 71,6%). Tính từ đầu năm đến cuối tháng 5, NHNN hút ròng khoảng hơn 33 nghìn tỷ đồng trên OMO.
Lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp và tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn vẫn đang thấp hơn khoảng 0,2-0,4 điểm% so với cuối tháng trước và giảm khoảng từ 1,6–2,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2017.
Lãi suất huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp tương có tín hiệu giảm tại các kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng giảm khoảng 0,1- 0,2 điểm% so với cuối năm 2017.
Lãi suất huy động bình quân kỳ hạn dưới 12 tháng của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 5,2%. Lãi suất cho vay tương đối ổn định. Lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,8%, trong đó lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 7%-11%.
Cần tiếp tục bám sát tình hình tỷ giá
Nguồn: HSC
Tính đến ngày 29/05/2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.605 VND/USD, tăng 0,85% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, tỷ giá NHTM tăng khoảng 0,63%, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 0,66%, giao dịch ở mức tương ứng là 22.830 VND/USD và 22.870 VND/USD. Trong hai tuần cuối tháng 5, tỷ giá có biến động nhẹ (khoảng 40 đồng).
Theo NFSC, từ nay đến cuối năm 2018, vấn đề tỷ giá cần lưu ý đó là đồng USD đang xu hướng tăng trở lại và FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2018. Do vậy, NFSC cho rằng, chính sách tỷ giá cần tiếp tục bám sát và có những động thái điều hành linh hoạt.