Ủy ban Pháp luật Quốc hội lấy ý kiến về Luật Hải quan

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Để chuẩn bị phục vụ phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3/2014), ngày 24/2, thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Có 18 nội dung trong dự thảo Luật Hải quan mà Ủy ban Pháp luật giải trình xin được giữ nguyên. Nguồn: internet
Có 18 nội dung trong dự thảo Luật Hải quan mà Ủy ban Pháp luật giải trình xin được giữ nguyên. Nguồn: internet

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý và Phó Chủ nhiệm Trần Đình Long cùng chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, đại điện ban soạn thảo Luật cùng đại diện của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Y tế, Công An, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long cho biết, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra, đã được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức đều tán thành với sự cần thiết ban hành và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo.

Trong các ý kiến góp ý, có một số nhóm vấn đề được Ủy ban Pháp luật dự kiến tiếp thu, chỉnh lý, đó là các nhóm vấn đề: Cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hải quan, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật Hải quan; Những nội dung cần được quy định cụ thể trong Luật mà không giao ban hành văn bản quy định chi tiết… Bên cạnh đó là một số nội dung khác.

Một số ý kiến góp ý, sau khi xem xét cũng như qua quá trình nghiên cứu và khảo sát thực tiễn, Ủy ban Pháp luật cũng đã giải trình và giữ nguyên như trong dự thảo Luật.

Đó là các nội dung: Về áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế (Điều 5), hoạt động quốc tế về hải quan (Điều 6), địa bàn hoạt động hải quan (Điều 7), hệ thống tổ chức hải quan (Điều 13), công chức hải quan (Điều 14), quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan (Điều 16), quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan (Điều 17), hồ sơ hải quan (Điều 23), khai hải quan (Điều 28); trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan (Điều 34); Thông quan hàng hóa (Điều 36), điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên (Điều 41), xử lý hàng hóa tồn đọng (Điều 57), kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan (Điều 77), phạm vi, trách nhiệm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 87), thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 88), thẩm quyền của cơ quan Hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 89), cơ quan quản lý nhà nước về hải quan (Điều 100).

Tán thành với các nội dung tiếp thu và giải trình, ý kiến đại diện các bộ, ngành tập trung vào một số nội dung: sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sự tương thích giữa một số nội dung quy định tại Luật Hải quan (sửa đổi) với các luật chuyên ngành khác, vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa, thẩm quyền kiểm tra xuất xứ hàng hóa của cơ quan Hải quan, những quy định về kiểm tra sau thông quan...

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã tiếp thu những ý kiến góp ý của các bộ, ngành, đồng thời cũng giải thích rõ hơn về các nội dung mà ý kiến các đại biểu đã đưa ra, phân tích quy định hiện hành, những bất cập và lý giải việc quy định nội dung mới...

Kết luận buổi họp bàn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) cần tiếp tục được rà soát về nội dung thủ tục hành chính, cần phải nêu rõ được việc ban hành Luật Hải quan (sửa đổi) giảm được bao nhiêu giấy tờ, bao nhiêu thủ tục hành chính. Đồng thời cần rà lại mối tương quan giữa Luật này với với các luật khác, đặc biệt là những luật sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới.

Bên cạnh đó, ông Phan Trung Lý cho biết, những nội dung giải trình và tiếp thu mà Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thực hiện thẩm tra về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ được trình trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 3/2014.