Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhiệm vụ rất nặng nề
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã đề ra những nhóm giải pháp đột phá để thực hiện trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Thực hiện các nhóm giải pháp này là nhiệm vụ rất nặng nề.
Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn vay và minh bạch trong báo cáo tài chính, kinh doanh là mục tiêu và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý DNNN. Vấn đề này đã được đề cập nhiều trong các hội thảo, diễn đàn kinh tế trong suốt những năm qua nhưng những giải pháp thực tế để ứng dụng thì chưa được đề xuất và thực hiện triệt để.
Chính vì lý do này dẫn đến không quản lý, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện kịp thời những con số doanh nghiệp báo cáo không trung thực, báo cáo mang tính thành tích hoàn thành kế hoạch nhưng thực chất lại thua lỗ. Từ đó đã dẫn đến những sai phạm khó lường, tham nhũng, thất thoát vốn của Nhà nước một cách nghiêm trọng của các tập đoàn, tổng công ty trong giai đoạn vừa qua.
Ngày 3/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP chính thức đánh dấu sự thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban được xác định là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, Công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Thành lập Ủy ban này, mong muốn của Chính phủ là quản lý hiệu quả, minh bạch vốn của Nhà nước. Để đạt được mục tiêu này, vai trò của người đứng đầu của Ủy ban là hết sức quan trọng, đặc biệt trong việc lựa chọn nguồn nhân lực và kế hoạch hành động cụ thể cho từng thành viên, lãnh đạo Ủy ban trong giai đoạn chuẩn bị cho Ủy ban đi vào hoạt động.
Mô hình tổng thể giải pháp hoạch định nguồn lực doanh nghiệp |
Các nhóm giải pháp mà lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đặt ra để thực hiện trong năm 2018 và những năm tiếp theo là rất lớn. Thứ nhất là nhóm giải pháp về ổn định cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ủy ban. Thứ hai là nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Ủy ban sẽ tập trung rà soát, làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, thúc đẩy và động viên các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư ổn định, theo kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ đã được giao… Thứ ba, về nhóm giải pháp về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Ủy ban sẽ tiếp tục chỉ đạo và thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Đối với nhóm giải pháp thứ tư về quản trị doanh nghiệp, Ủy ban sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý doanh nghiệp cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới.
Thứ năm, lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu, coi đây là trọng tâm của quá trình đổi mới và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Cuối cùng, Ủy ban sẽ nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối, phong cách làm việc theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong hoạt động của Ủy ban.
Các nhóm giải pháp này đều mang tính đột phá rất cao để đưa doanh nghiệp có vốn nhà nước trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu và đi vào hoạt động với một mô hình kinh doanh mới, hệ thống quản trị hiện đại. Tuy nhiên, thực hiện tốt các nhóm giải pháp trên đây là nhiệm vụ rất nặng nề, do vậy, cần phải cụ thể hóa chúng để thực hiện.
Để thực hiện các nhiệm vụ vô cùng quan trọng của một cơ quan đang được mệnh danh là “siêu ủy ban” và phải quản lý một nguồn vốn khổng lồ của Nhà nước, “quản trị doanh nghiệp” là nhóm giải pháp mang tính đột phá cao của lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cần phải được thực hiện mạnh mẽ, bứt phá đặc biệt trong khối tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.
Giải pháp cụ thể giúp cho nhóm giải pháp này phát huy hiệu quả chính là chiến lược ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong công tác quản lý điều hành doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch trong hệ thống báo cáo và quản lý điều hành doanh nghiệp số. Đó là phải xây dựng được một chiến lược tổng thể cho ứng dụng giải pháp “hoạch định nguồn lực cho doanh nghiệp” – “ERP – Enterprise Resource Planning”. Đây là giải pháp tối ưu hiện nay, là xu hướng quản trị hiện đại trong quản trị doanh nghiệp.
Giải pháp hoạch định nguồn nhân lực là một giải pháp đa phân hệ, tích hợp kiến trúc tổng thể, xây dựng và thực hiện các quy trình hoạch định và quản lý tài nguyên, xử lý tự động thông tin, kiểm soát báo cáo; đồng thời quản lý toàn bộ các hoạt động chủ chốt của DNNN như phân tích tài chính, quản trị kế toán, quản lý thu mua, tồn kho, hoạch định và quản lý sản xuất.
Với mục tiêu minh bạch trong báo cáo với các số liệu chính xác, nhanh chóng, kịp thời nhằm kiểm soát chặt chẽ tài chính, nhân lực, cảnh báo rủi ro thất thoát, thua lỗ và đánh giá năng lực điều hành của lãnh đạo DNNN, thách thức lớn trong giai đoạn sắp tới chính là nhóm giải pháp quản trị doanh nghiệp.
Việc chấp nhận ứng dụng những thay đổi công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong quản lý sẽ dần đưa DNNN vào quỹ đạo kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cho đất nước.