Vài nét về FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu

Huy Đạt

(Taichinh) - Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan đã chính thức được ký kết vào ngày 29/5/2015. Đây là hiệp định có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng.

 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã chính thức được ký kết. Nguồn: Internet
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã chính thức được ký kết. Nguồn: Internet

Các nội dung chính của FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu

Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, ngày 29/5/2015, tại Kazakhstan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu bao gồm các Chương chính về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế.

Đối với các cam kết về hàng hóa, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Về phía Liên minh Kinh tế Á - Âu, khu vực này dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi về thuế quan đặc biệt với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản. Tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, da giày cũng hưởng thuế suất 0%, dệt may có 1 số nhóm hàng cũng giảm thuế 0% còn 1 số khác thì sẽ giảm theo lộ trình 3, 5, 10 năm.

Phía Việt Nam cũng đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh Kinh tế Á - Âu đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Những nội dung về Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Phát triển bền vững... của Hiệp định chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, tạo khung khổ để hai bên có thể xem xét hợp tác sâu hơn khi thấy phù hợp.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm. Có thể nói, Liên minh Kinh tế Á-Âu có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hướng tới một không gian kinh tế thống nhất.

Việc ký kết Hiệp định tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu. Sau khi ký kết, hai bên sẽ tiếp tục hoàn thành các thủ tục nội bộđể phê chuẩn Hiệp định nhằm mục tiêu để Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian sớm nhất.

Ngành hàng nào được lợi?

Theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, những ngành hàng được lợi nhất là thủy sản, dệt may, da giày... bởi thuế suất của các mặt hàng này sẽ về mức 0%.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch hàng dệt may giữa hai bên sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên Hiệp định được thực thi và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo.

Giá trị kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1-2 năm tới và Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 hiện nay tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường này.

Tuy nhiên, việc tận dụng Hiệp định nhằm khai thác tốt hơn tại thị trường này là một chặng đường dài đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực để tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Bên cạnh thuận lợi của ngành dệt may, ngành thép lại đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, về tiềm năng sản xuất thép của Nga, hiện tổng lượng sản xuất của Nga đứng thứ 5 toàn cầu (đạt khoảng 70 triệu tấn/năm). Thép của Nga được tạp chí thép thế giới đánh giá là có chi phí sản xuất thuộc loại thấp nhất toàn cầu.

Trong khi đó, ngành thép trong nước còn nhiều khó khăn, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ đủ lớn về tài chính, khoa học công nghệ để cạnh tranh ngang ngửa các mặt hàng thép thế giới, sự hỗ trợ của cơ quan quản lý cũng chỉ trong giai đoạn nhất định.

Như vậy, các doanh nghiệp thép sẽ phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất hiệu quả…