Vai trò của RCEP đối với hội nhập kinh tế khu vực

Theo thoibaonganhang.vn

Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) không được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ủng hộ, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng đang được xem là một giải pháp để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Liên quan đến vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Lurong Chen, với tựa đề “Vai trò của RCEP đối với hội nhập kinh tế khu vực”.

Là đối trọng hay bổ sung cho nhau

Theo bài viết trên, đã có nhiều báo cáo cũng như bài viết thời gian gần đây về tác động của cuộc bầu cử ở Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là về tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ về hiệp định TPP.

Rất nhiều học giả, chuyên gia kinh tế cho rằng việc TPP không được hình thành sẽ là một thiệt thòi lớn cho các nỗ lực để hiệp định này đi vào thực tế, và điều đó cũng mở ra cơ hội lớn để RCEP được các quốc gia trong khu vực đàm phán và ký kết. Tuy nhiên, sẽ thật không công bằng khi đánh giá việc RCEP ra đời là để nhằm đối trọng với vai trò của Mỹ ở khu vực.

Các quốc gia châu Á cần lưu ý về các nguy cơ kinh tế có thể gặp phải khi gắn liền với tự do hóa thương mại sâu sắc. Với những nỗ lực toàn cầu hóa, sự dịch chuyển của dòng thương mại quốc tế, dịch vụ và sản xuất đang ngày càng phát triển. Khi đó, các hoạt động kinh tế có thể tập trung vào một số thị trường cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như khu vực.

Những thị trường cốt lõi nhờ đó đạt được một thị phần lớn hơn trong hoạt động kinh tế toàn cầu thông qua các dòng chảy thương mại, tích tụ đầu tư và tái cơ cấu sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, tiềm năng về thị trường của các nước kể trên cũng mang đến cho họ những lợi thế trong đàm phán thương mại với các quốc gia khác, đặc biệt là đàm phán song phương.

Từ góc độ kinh tế chính trị, liệu các quốc gia châu Á sẽ tiến hành đàm phán riêng rẽ hay đàm phán theo nhóm. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực, ASEAN và Đông Á được coi là một trong ba trụ cột chính của nền kinh tế thế giới. Đối với các quốc gia phát triển và đang phát triển, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn sẽ là khuôn khổ tốt nhất cho việc tạo lập sân chơi bình đẳng về thương mại và đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế sự tiến bộ của lĩnh vực hợp tác thương mại đa phương không thể bắt kịp với tốc độ thay đổi của kinh tế thế giới, có vẻ như một hệ thống các thỏa thuận quốc tế đa cực đang ngày càng thịnh hành và bị chi phối bởi nhiều quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc.

Do đó, việc cho ra đời RCEP là đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia châu Á. Sẽ là sai lầm khi đánh giá rằng RCEP sẽ là đối trọng với TPP mà thực tế hai hiệp định này khi ra đời có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Vai trò của Hiệp hội ASEAN

Về cơ bản, RCEP là một phần trong nỗ lực của các quốc gia châu Á để hình thành con đường quản trị, hợp tác của khu vực. Đây được xem là một ASEAN mở rộng và tạo ra nền tảng để hình thành một khu vực hợp tác chặt chẽ hiệu quả với nhau để góp phần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. ASEAN sẽ là hạt nhân cốt lõi của quá trình này và sẽ đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác của khu vực.

RCEP với các thỏa thuận thương mại mang tiêu chuẩn cao, tương tự như các thỏa thuận trong TPP, rất có thể sẽ được các quốc gia thành viên hoan nghênh khi tiến hành đàm phán trong giai đoạn hiện nay.

Điều quan trọng là việc đàm phán để cho ra đời hiệp định này trong giai đoạn hiện nay liên quan đến nhu cầu cấp bách và hoàn cảnh của các quốc gia ở khu vực. Việc hiệp định này được hình thành không chỉ giúp tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thành viên mà còn góp phần cải cách trong nội bộ của từng quốc gia.

Tác giả chỉ ra ba khía cạnh của RCEP: Thứ nhất, RCEP sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan lên đến 90-95%. Lĩnh vực này thực tế hiện nay đã và đang được áp dụng trong ASEAN+1 và các hiệp định thương mại với các nước đối tác ASEAN.

Các quốc gia có thể gặp phải một số khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung để đạt được con số này, nhưng đây là con số phù hợp và không nên hạ thấp xuống. Thứ hai, những điều khoản mang tính tích cực sẽ làm cho RCEP có ý nghĩa với tất cả các quốc gia thành viên, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ.

Thứ ba, thúc đẩy đàm phán cho ra đời RCEP không chỉ để phục vụ cho hội nhập khu vực mà còn đóng góp cho hợp tác khu vực. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng như lĩnh vực thông tin và truyền thông cần được đưa vào trong các danh mục ưu tiên.

Tác giả bài viết cho rằng thay vì tham vọng cho ra đời những hiệp định không thực tế và phải mất một thời gian dài, tại sao các quốc gia trong khu vực không từng bước có những cách tiếp cận thực tế, tiến hành sớm các cuộc đàm phán để đạt được sự tiến bộ nhằm sớm cho ra đời RCEP và như thế RCEP 1.0 sẽ sớm được hình thành và đi vào hoạt động để dần dần có thể nâng cấp nó lên thành RCEP x.0 sau này.

Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Eduardo Ferreyros của Peru bày tỏ hy vọng nước này sẽ là một cấu thành trong cả hai hiệp định thương mại tự do lớn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và RCEP. Giới chức Peru cho biết Lima đã khởi động những cuộc đàm phán về việc tham gia Hiệp định RCEP do Bắc Kinh hậu thuẫn, trong khi vẫn hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ không gạt bỏ TPP do Washington dẫn dắt.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và sáu nước ký FTA với ASEAN - là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand - đã khởi động tiến trình đàm phán về RCEP vào năm 2012. Các nước tham gia RCEP có tổng dân số là ba tỷ người, chiếm 45% dân số thế giới, với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào khoảng 22.400 tỷ USD tổng cộng và chiếm tới 30% thương mại toàn cầu.