Vẫn chưa đến lúc thế giới chứng kiến một cuộc chiến tiền tệ?


Đó là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam trước một chuỗi sự kiện liên tiếp diễn ra như việc Mỹ tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ hạ lãi suất, Trung Quốc bị liệt vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ…

Mặc dù cuộc chiến thương chiến Mỹ - Trung đang rất nóng bỏng, tuy nhiên, vẫn chưa đến lúc thế giới chứng kiến một cuộc chiến tiền tệ.
Mặc dù cuộc chiến thương chiến Mỹ - Trung đang rất nóng bỏng, tuy nhiên, vẫn chưa đến lúc thế giới chứng kiến một cuộc chiến tiền tệ.

Theo TS. Cấn Văn Lực, CNY mất giá mạnh đã có những tác động nhất định đến kinh tế thế giới. Thứ nhất, làm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng hơn, biểu hiện là Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Thứ hai, động thái của Trung Quốc có thể khiến một số nước lớn theo dõi, xem xét điều chỉnh tỷ giá trong nước.

Theo ước tính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2018 đã giảm 500 tỷ dollars Mỹ và kết thúc năm nay sẽ giảm tới con số kỷ lục là 1,5 nghìn tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng, nếu cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục, thì GDP toàn cầu sẽ giảm 5%, tức là khoảng 455 tỷ USD.

Ở một góc nhìn khác, Ông Evan Pritchard, nhà kinh tế học cấp cao của Capital Economics cho rằng việc Trung Quốc ngừng duy trì mốc quy đổi quan trọng giữa CNY với USD hàm nghĩa nước này đã từ bỏ hy vọng đạt thoả thuận thương mại với Mỹ.

Mặt khác, nếu CNY tiếp tục giảm giá, căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường sẽ tiếp tục leo thang, dẫn đến hiện tượng dòng vốn đầu tư của nước này sẽ càng lúc càng thoát ra ngoài nhiều hơn, trong bối cảnh nước này đối diện với suy giảm kinh tế.

Điều khiến dư luận lo ngại là so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không gian cho việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã hẹp đi rất nhiều. Hơn nữa, việc tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ có thể cũng không mang lại hiệu quả lớn.

Chia sẻ trên chương trình Squawk Box của hãng truyền thông CNBC hôm 16/7, chuyên gia Vanvakidis từ Bank of America Merrill Lynch cho rằng, một cuộc chiến tiền tệ ẩn hình kỳ thực đã bắt đầu, chỉ khác một điều là mọi người vẫn chưa công khai thừa nhận nó.

Việc giảm giá đồng NDT chỉ là một trong những công cụ để thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc.
Việc giảm giá đồng NDT chỉ là một trong những công cụ để thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, việc đồng tiền CNY mất giá cũng có thể gây ra những tác động tâm lý, khiến cho một số ngân hàng trung ương các nước phải xem xét để hành động. Ví dụ như để đồng tiền nội tệ của họ mất giá đi phần nào, nhằm duy trì sức cạnh tranh.

“CNY chỉ là một trong những công cụ thúc đẩy xuất khẩu và thực tế tình hình chưa đến mức là cuộc chiến tiền tệ song đang tạo ra những tác động, cú hích để các nước có thể xem xét điều chỉnh tỷ giá nội tệ”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Đồng quan điểm, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định Trung Quốc không thể sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái cố định khi mà CNY đã nằm trong rổ tiền thế giới.

Mặt khác, Mỹ là một trong những thị trường ngoại hối lớn, nếu Trung Quốc để đồng tiền nước này phá giá, Mỹ cũng có thể để cho đồng USD trong trạng thái tương tự và có vẻ như Trung Quốc không muốn khơi mào cho điều này.

Trung Quốc để đồng tiền nước này phá giá, Mỹ cũng có thể để cho đồng USD trong trạng thái tương tự.
Trung Quốc để đồng tiền nước này phá giá, Mỹ cũng có thể để cho đồng USD trong trạng thái tương tự.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thực tế trên cho thấy, nguy cơ cuộc chiến tiền tệ là có thật, nhưng trong thời gian trước mắt các quốc gia vẫn đang kiểm soát chặt chẽ động thái điều chỉnh sách tiền tệ của mình, nên nguy cơ này chưa đáng ngại.

Tuy nhiên, nếu nhiều quốc gia trên thế giới đều đồng loạt thực hiện nới lỏng tiền tệ và/hoặc phá giá tiền tệ, thì cuộc chiến tiền tệ sẽ bùng nổ. Chính vì vậy, Việt Nam cần thận trọng đưa ra những quyết sách đúng đắn về chính sách tiền tệ và điều tiết linh hoạt tỷ giá VND để ứng phó với những biến động phức tạp và những ảnh hưởng nhất định lên nền kinh tế trong trước cuộc thương chiến Mỹ - Trung.