Vấn đề cần lưu ý khi xử lý, kê khai thuế giá trị gia tăng trong doanh nghiệp

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 Tháng 3/2020

Kế toán thuế giá trị gia tăng vừa phải tuân thủ theo quy định kế toán, vừa phải tuân thủ theo Luật Thuế giá trị gia tăng và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Do vậy, việc kê khai thuế giá trị gia tăng đòi hỏi phải giảm thiểu những sai sót, làm ảnh hưởng đến trách nhiệm, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết đề cập tới một số vấn cần lưu ý khi kê khai thuế giá trị gia tăng nhằm giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước kịp thời, chính xác và hiệu quả.

Khái quát về thuế giá trị gia tăng và kê khai thuế giá trị gia tăng trong doanh nghiệp

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) được Quốc hội thông qua vào ngày 3/6/2008 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2014 và 2016 nhằm hoàn thiện theo yêu cầu thực tế trong những năm qua. Như vậy, Luật Thuế GTGT liên tục được kiện toàn, phát huy tác dụng tích cực trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Theo quy định của Luật Thuế GTGT, tổng số thuế GTGT thu được qua tất cả các giai đoạn luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ bằng với số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Thuế GTGT do người tiêu dùng cuối cùng chịu, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước  (NSNN) thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hoá, dịch vụ. Cơ chế hoạt động cuả thuế GTGT được quy định như sau:

– Một trong những nguyên tắc cơ bản của thuế GTGT là sản phẩm, hàng hoá dù qua nhiều khâu hay ít khâu từ sản xuất đến tiêu dùng, đều chịu thuế như nhau.

– Thuế GTGT có điểm cơ bản khác với thuế doanh thu là chỉ có người bán hàng (hoặc dịch vụ) lần đầu phải nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu bán hàng (hoặc cung ứng dịch vụ). Người bán hàng (hoặc dịch vụ) ở các khâu tiếp theo đối với hàng hoá (hoặc dịch vụ) đó, chỉ phải nộp thuế trên phần giá trị tăng thêm.

– Nói cách khác, thuế GTGT là loại thuế duy nhất thu theo phân đoạn chia nhỏ, trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá  (hoặc dịch vụ) từ khâu đầu tiên đến người tiêu dùng, khi khép kín một chu kỳ kinh tế. Ðến cuối chu kỳ sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ, tổng số thuế thu được ở các công đoạn sẽ khớp với số thuế tính trên giá bán hàng hoá hoặc giá dịch vụ cho người tiêu dùng cuối cùng.

– Thuế GTGT không chịu ảnh hưởng bởi kết qủa sản xuất, kinh doanh của đối tượng  nộp thuế, không phải là yếu tố của chi phí mà chỉ đơn thuần là một khoản được cộng thêm vào giá bán của đối tượng cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

– Thuế GTGT do người tiêu dùng chịu nhưng không phải do người tiêu dùng trực tiếp nộp mà là do người bán sản phẩm (hoặc dịch vụ) nộp thay vào kho bạc, do trong giá bán hàng hoá (hoặc trong dịch vụ) có cả thuế GTGT. Vì qua từng công đoạn, thuế GTGT đã được người bán đưa vào giá hàng hoá, dịch vụ, cho nên thuế này được chuyển toàn bộ cho người mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ cuối cùng chịu.

Theo quy định, doanh nghiệp (DN) phải tự tổ chức khai thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật thông tin về số thuế GTGT phải nộp, được khấu trừ, được hoàn thuế. Việc khai thuế được thực hiện trên “Tờ khai thuế GTGT”, về thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, thuế GTGT đầu ra, các khoản điều chỉnh tăng giảm do sai sót các kỳ trước làm tăng giảm thuế kỳ này, số thuế GTGT đã nộp ở địa phương của doanh thu kinh doanh xây dựng vãng lai, ngoại tỉnh, số thuế phải nộp, số thuế còn được khấu trừ. Khi khai thuế DN cũng phải lập các phụ lục theo quy định.

Các trường hợp sai sót, nhầm lẫn khi xử lý, kê khai thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp

Kế toán thuế GTGT vừa phải tuân thủ theo quy định kế toán, vừa phải tuân thủ theo Luật Thuế GTGT và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Do vậy, việc kê khai thuế GTGT không tránh khỏi nhầm lẫn, sai sót, làm ảnh hưởng đến số thuế GTGT phải nộp cho NSNN và ảnh hưởng đến trách nhiệm, quyền lợi của DN. Một số trường hợp sai sót, nhầm lẫn DN có thể gặp phải trong quá trình khai thuế GTGT, gồm:

Một là, thiếu biên bản giao nhận hàng hóa giữa bên mua và bên bán: Khi phát sinh các giao dịch kinh tế về hàng hóa, sản phẩm giữa bên mua và bên bán, căn cứ vào hóa đơn GTGT, hợp đồng kinh tế, chứng từ thanh toán kế toán vẫn hạch toán bình thường, mặc dù còn thiếu biên bản giao nhận hàng hóa hoặc biên bản xác nhận công việc hoàn thành.

- Nếu DN mua hàng căn cứ vào các chứng từ liên quan, kế toán ghi:

Nợ TK 152,253,156,…

Nợ TK 133 ( thuế GTGT được khấu trừ)

Có TK111,112,331,…

Nếu DN bán hàng căn cứ vào chứng từ kế toán có liên quan, kế toán ghi

Nợ TK 111,112,131

Có TK 511

Có TK 3331 (thuế GTGT phải nộp)

Cuối tháng hoặc quý kê khai thuế, DN vẫn kê khai thuế GTGT đầu vào và đầu ra đối với các giao dịch kinh tế phát sinh mà không có biên bản giao nhận sản phẩm, hàng hóa hoặc biên bản xác nhận công việc hoàn thành. Như vậy, theo quy định của luật thuế GTGT, đơn vị kê khai thuế không chính xác.

Hai là, thông tin trong các chứng từ kế toán trong cùng một giao dịch kinh tế không trùng khớp (họ tên; địch chỉ; ngày tháng, mã sản phẩm, tên hàng hóa…): Các thông tin (họ tên, địa chỉ, ngày tháng…) ghi trong hóa đơn GTGT, biên bản giao nhận hàng hóa, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không khớp nhau; Tên mã sản phẩm, hàng hóa ghi trong phiếu nhập kho và Hóa đơn GTGT không khớp nhau… Những sai sót này cơ quan thuế không chấp nhận và không cho phép kê khai thuế GTGT.

Ba là, DN mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phát hiện thiếu khi kiểm kê: DN mua sản phẩm, hàng hóa, nếu phát hiện thiếu khi kiểm kê chưa xác định được nguyên nhân, căn cứ vào hóa đơn GTGT, biên bản xác nhận hàng hóa thiếu và các chứng thanh toán có liên quan, kế toán ghi:

Nợ TK 1381

Nợ TK 152,152,156,..

Nợ TK 133 ( Thuế GTGT  được khấu trừ)

Có TK 111,112,331

Cuối tháng hoặc quý kê khai thuế, DN vẫn kê khai thuế GTGT đối với số sản phẩm, hàng hóa thiếu mà chưa xác định, hoặc chưa có quyết định xử lý. Như vậy, theo quy định Luật Thuế GTGT, DN kê khai thuế GTGT không chính xác.

Bốn là, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt: Mặc dù đã có quyết định của Nhà nước về thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản tiền trên 20 triệu đồng, nhưng một số vẫn đơn vị vẫn mắc phải. Đặc biệt là đối với các giao dịch phát sinh nhiều lần cùng một nhà cung cấp trong một ngày, nhưng tổng số tiền vượt quá 20 triệu đồng thì cơ quan thuế chỉ chấp thuận những khoản thanh toán qua chuyển khoản.

Năm là, thời điểm phát sinh trong các chứng từ kế toán không khớp hoặc không đúng như: Ngày ký hợp đồng phát sinh sau ngày thanh toán hoặc ngày giao hàng; Ngày nhập kho hàng hóa phát sinh trước ngày giao hàng hóa, hoặc thời điểm xuất bán hàng hóa trước thời điểm nhập kho hàng hóa…

Vấn đề đặt ra trong kê khai thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp

Ðể áp dụng thuế GTGT công bằng hiệu quả, đáp ứng được chủ trương “góp phần thúc đẩy sản xuất, khuyến khích phát triển nền kinh tế quốc dân, động viên một phần thu nhập của người tiêu dùng vào NSNN”, trước hết cần giải quyết một số vấn đề sau:

– Các hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ  lớn và vừa phải thực hiện đầy đủ chế độ hoá đơn, chứng từ hợp lệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, xác định doanh thu tính thuế và khấu trừ thuế đối với từng cơ sở kinh doanh.

– Công tác kế toán DN, nhất là kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm phải được hướng dẫn thực hiện thật tốt, đảm bảo được giá thành sản phẩm phản ánh trung thực các chi phí thực tế phát sinh đã cấu tạo ra sản phẩm.

– Quản lý thu thuế phải được nâng cao về chế độ hoá đơn, chứng từ, sổ kế toán, thông thạo về chế độ quản lý, tính thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT. Người thu thuế phải có khả năng tính được mức thuế phải thu, mức thuế khấu trừ.

– Mở rộng diện thanh toán mua bán hàng hoá thông qua các tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện cho việc xác định doanh thu bán hàng, làm căn cứ cho việc tính thuế được chính xác.

Ngoài ra, trong quá trình kê khai thuế GTGT, DN cần lưu ý các vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ chứng từ kế toán khi phát sinh các giao dịch kinh tế: Khi phát sinh các giao dịch kinh tế giữa bên mua và bên bán ngoài căn cứ vào hợp đồng kinh tế, hóa đơn GTGT, chứng từ thanh toán (chứng từ thanh toán bằng chuyển khoản đối với các giao dịch trên 20 triệu đồng), thì kế toán phải có đầy đủ biên bản giao nhận hàng hóa hoặc biên bản xác nhận công việc hoàn thành để hạch toán và kê khai thuế GTGT.

Tại thời điểm kê khai thuế, nếu DN không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ kế toán, DN không được kê khai số thuế GTGT đầu vào hoặc đầu ra này. Trong trường hợp đã kê khai DN phải khai bổ sung hồ sơ khai thuế. Hồ sơ khai bổ sung gồm: Tờ khai thuế của kỳ tính thuế bị sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh; Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS (trong trường hợp khai bổ sung, điều chỉnh có phát sinh chênh lệch tiền thuế).

Thứ hai, hoàn thiện đầy đủ, chính xác các thông tin trong các chứng từ kế toán cùng một giao dịch kinh tế phát sinh: DN phải thường xuyên đối chiếu kiểm tra, giao trách nhiệm cho nhân viên thực hiện các giao dịch kinh tế để tránh nhầm lẫn, sai sót trong quá trình thực hiện. Các thông tin (họ tên, địa chỉ…) ghi trong hóa đơn GTGT, biên bản giao nhận hàng hóa, chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Thứ ba, điều chỉnh thuế GTGT đối với sản phẩm, hàng hóa mua phát hiện thiếu: Khi kê khai thuế, nếu DN chưa có quyết định xử lý sản phẩm, hàng hóa thiếu, thì DN điều chỉnh số thuế GTGT bị thiếu theo sản phẩm, hàng hóa, cụ thể:

Nợ TK1381

Có TK 133

Đồng thời, điều chỉnh giảm thuế GTGT trên tờ khai thuế GTGT.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ về thời điểm trên chứng từ kế toán và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt: Mặc dù, quy định của Luật thuế GTGT về chứng từ không dùng tiền mặt từ có hiệu lực từ năm 2013, sau đó sửa đổi năm 2015. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn mắc phải lỗi trong chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, đối với các khoản tiền thanh toán bằng tiền mặt dưới 20 triệu đồng, phát sinh nhiều lần trong cùng một ngày cùng một nhà cung cấp, nhưng tổng số tiền vượt 20 triệu đồng cũng không đủ điều kiện để kê khai thuế GTGT. Ngày tháng phát sinh trong các chứng từ kế toán không khớp nhau (giữa hóa đơn GTGT với biên bản giao hàng, phiếu nhập kho…). Do vậy, DN phải giao trách nhiệm cho các cá nhân, bộ phận khi thực hiện các giao dịch; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn để tránh các trường hợp nêu trên. Nếu DN phát hiện sai sót, nhầm lẫn trong kỳ kê khai, DN phải khai bổ sung hoàn thuế GTGT.            

Tài liệu tham khảo:

Quốc hội (2008), Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (Luật số13/2008/QH12);

Quốc hội (2013), Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2013;

Bộ Tài chính (2011), Chiến lược cải cách hệ thống Thuế giai đoạn 2011 –2020, NXB Tài chính;

Bộ Tài chính (2012), Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ;

Bộ Tài chính (2013), Thông tư số156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ;

Bộ Tài chính (2013), Thông tư số219/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.