Vấn đề thuế quan và áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá trong thương mại Việt Nam – ASEAN

ThS. Nguyễn Hoàng Tuấn- Học viện Tài chính

Cắt giảm thuế quan và áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá trong ASEAN những năm qua đã tác động lớn đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Bài viết đánh giá những tác động này trong giai đoạn từ 2006 đến 2016 và đề xuất một số giải pháp để tận dụng những lợi ích cho thương mại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Quan hệ thương mại Việt Nam ASEAN

ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng và là động lực quan trọng giúp  kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu trong nhiều năm qua.

Với lợi thế là một khu vực phát triển năng động, gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN có mức tăng trưởng cao nhờ hàng hoá trao đổi được hưởng thuế quan ưu đãi đặc biệt CEPT/ATIGA ở mức thấp khi được công nhận xuất xứ của ASEAN.

Qua 10 năm thực hiện cam kết về cắt giảm thuế quan kể từ 2006, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu trao đổi thương mại giữa Việt Nam không ngừng tăng lên. Thương mại hai chiều giữa các nước ASEAN và Việt Nam đạt khoảng 19,179 tỷ USD vào năm 2006 đã tăng hơn 2,15 lần, đạt 41,356 tỷ USD vào năm 2016 (Bảng 1).

 Vấn đề thuế quan và áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá trong thương mại Việt Nam – ASEAN - Ảnh 1

Với mức thuế suất bình quân ngày càng giảm, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN không ngừng tăng lên. Cùng với xu hướng tăng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, trong 10 năm qua, Việt Nam luôn nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN.

Tuy nhiên, do tốc độ tăng xuất khẩu sang ASEAN cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu từ thị trường này nên trong những năm gần đây mức thâm hụt dần được thu hẹp và nhập siêu từ ASEAN giảm dần.

Trong trao đổi thương mại với các nước thành viên ASEAN nhiều năm qua, quan hệ giao thương của Việt Nam chủ yếu tập trung vào 4 thị trường chính là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng trị giá hàng hóa trao đổi với 4 đối tác này chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN (Năm 2006 chiếm 87,4%, năm 2016 chiếm 81,4%).

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Thái Lan có sự tăng lên mạnh mẽ vượt qua Singapore và chiếm vị trí số 1, đặc biệt là năm 2016 chiếm đến 36,83% kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ các nước ASEAN tập trung chủ yếu vào các mặt hàng gia dụng tiêu dùng, điện tử, ô tô nguyên chiếc...

Điều này có được là nhờ các DN Thái Lan tận dụng rất tốt những ưu đãi về cắt giảm thuế quan sâu của Việt Nam kể từ 2015 đối với những nhóm hàng nhạy cảm, thông qua tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi rất cao.

Theo điều tra khảo sát của Suksri, P.,S. Sermcheep and P. Srisangnam (2015), các doanh nghiệp Thái Lan sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – C/O mẫu D chiếm tỷ lệ 72% hàng hoá xuất khẩu hàng hoá sang Việt Nam, Malaysia, Indonesia.

Vì vậy, các hàng hoá từ Thái Lan đang thâm nhập vào thị trường trong nước, tăng sức ép cho các DN trong nước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Thái Lan năm 2016 cũng là cao nhất so với các nước ASEAN.

 Vấn đề thuế quan và áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá trong thương mại Việt Nam – ASEAN - Ảnh 2

Tuy nhiên, mức độ sử dụng C/O mẫu D để hưởng ưu đãi thuế quan của các DN Việt Nam sang Thái Lan cũng như thị trường các nước ASEAN cũng chỉ đạt dưới 30% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, hơn 70% kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN là chưa tận dụng được những ưu đãi về thuế quan thông qua áp dụng xuất xứ hàng hoá của ASEAN.

Đây có thể được xem là một hạn chế rất lớn của các DN Việt Nam khi không tận dụng được những lợi ích, đặc biệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEN (AEC) ra đời đem lại.

Tận dụng cơ hội trong thị trường ASEAN

Để Việt Nam có thể tận dụng được những lợi ích nhờ cắt giảm thuế quan qua đáp ứng các quy định của quy tắc xuất xứ hàng hoá Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN(ATIGA) nhằm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu và giảm mức độ nhập siêu từ ASEAN những năm tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành các giải pháp sau:

Một là, tăng cường kiểm soát và giám sát bằng luật pháp chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện các quy định về xuất xứ hàng hoá nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những gian lận về xuất xứ vẫn xảy ra gây thiệt hại cho các DN trong nước và thất thu cho ngân sách nhà nước.

Với mức độ giảm thuế của Việt Nam trong AEC ngày càng sâu tạo ra sự chênh lệch lớn với thuế từ việc áp dụng nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) từ các nước ngoài AEC sẽ có nguy cơ ngày càng cao về gian lận thuế quan, nếu không có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả việc sử dụng C/O ưu đãi từ các nước thành viên AEC.

Hai là, cần nghiên cứu, ban hành và áp dụng các quy định về xuất xứ kết hợp với các công cụ bảo vệ thị trường nội địa nhằm bảo vệ các nhóm hàng hóa của Việt Nam dễ bị tổn thương, bảo vệ việc cạnh tranh công bằng và ổn định nhưng vẫn phù hợp với quy định của Hiệp định về các Rào cản Kỹ thuật đối với Thương mại  (TBT), FTA và cam kết ra nhập AEC.

Ba là, rà soát lại các nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất để tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, hoặc nhập khẩu nguyên liệu của các nước thành viên AEC để thay thế các nước ngoài AEC nhằm đáp ứng tốt nhất các quy định về xuất xứ hàng hoá tận dụng được lợi ích ưu đãi của AEC để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Bốn là, cần đưa ra nhiều hơn các chính sách ưu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ để thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo ra nguồn cung nội địa về nguyên liệu và phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất.