Tiếp tục chống thất thu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Phát huy những kết quả đã đạt được của Kế hoạch chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ (gọi tắt là kế hoạch 1353), Tổng cục Thuế cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện đề án này trong năm 2017.

Hộ kinh doanh tạp hóa tại TP. Đà Nẵng.
Hộ kinh doanh tạp hóa tại TP. Đà Nẵng.

Rà soát hơn 33,6 nghìn DN, hộ kinh doanh

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, để thực hiện kế hoạch 1353, Ban chỉ đạo chống thất thu thuế đã được thành lập do đích thân Tổng cục trưởng làm Trưởng ban. Kế hoạch 1353 đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung tại các thành phố lớn.

Về kết quả thực hiện kế hoạch 1353, bà Hạnh cho biết: “Qua rà soát, tổng số đối tượng phải kiểm tra là 33.633 DN và hộ kinh doanh (trong đó, có 19.281 DN, 14.352 hộ kinh doanh). 83,2% số DN đã được kiểm tra chống thất thu có số thuế tăng; tổng số thuế tăng thêm sau kiểm tra là hơn 4.891,4 tỷ đồng. Trong đó, số thuế truy thu và phạt đối với DN là 1.946,1 tỷ đồng; kết quả giảm lỗ, giảm khấu trừ thuế GTGT đối với DN là 2.913,1 tỷ đồng”.

Đối với hộ kinh doanh, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, có 73,4 % số hộ kinh doanh đã được kiểm tra, khảo sát có kết quả điều chỉnh tăng doanh thu khoán, trong đó 1/2 số hộ được điều chỉnh tăng từ 50% trở lên phải điều chỉnh thuế khoán ngay trong năm 2016, với số thuế điều chỉnh tăng trong năm 2016 là 32,1 tỷ đồng; còn lại các hộ có kết quả điều chỉnh tăng doanh thu khoán dưới 50% sẽ được điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán từ năm 2017. Theo đại diện Tổng cục Thuế, một số địa phương có số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) cao, do đó thuế tăng thêm sau kiểm tra cao như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Khánh Hoà, Hải Phòng...

Với những kết quả đã đạt được, Tổng cục Thuế đã ra Thông báo số 7336/TB-TCT ngày 30/12/2016, chỉ đạo các cục thuế tiếp tục triển khai chống thất thu thuế theo kế hoạch 1353 cho năm 2017 và các năm tiếp theo.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh

Cùng với việc tiếp tục thực hiện kế hoạch chống thất thu trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ khu vực ngoài quốc doanh, Tổng cục Thuế cho biết, năm 2017 này sẽ tiếp tục thu thập, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về DN. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, ứng dụng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc theo hướng tập trung tại Tổng cục Thuế cũng sẽ tiếp tục được triển khai, làm cơ sở để chỉ đạo toàn ngành trong công tác quản lý hộ kinh doanh.

Ngoài ra, các cục thuế cũng xây dựng ứng dụng hỗ trợ quản lý rủi ro đối với hộ kinh doanh để đáp ứng việc kiểm tra, kiểm soát của cục thuế đối với chi cục thuế, hỗ trợ chi cục thuế trong việc kiểm soát lập Bộ thuế khoán đối với hộ kinh doanh trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lợi dụng bán, cấp hóa đơn lẻ để hợp thức hóa chứng từ mua vào, bán ra gây thất thu NSNN.

Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, để hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế là hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế đã ký kết quy chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan: Chia sẻ thông tin về các dữ liệu điều tra thống kê về khu vực kinh tế cá thể, phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan thuế; thực hiện kết nối thông tin với đơn vị, tổ chức, cá nhân cho thuê mặt bằng kinh doanh, cung cấp điện, nước, viễn thông... để xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào của hộ kinh doanh, xây dựng cơ sở dữ liệu về cho thuê nhà phục vụ cho công tác xác định doanh thu và mức thuế khoán; xây dựng cơ sở dữ liệu về DN nhỏ và siêu nhỏ tương tự như cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, làm cơ sở ấn định thuế đối với DN kê khai không đúng thực tế.

“Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch trong điều tra, khảo sát, tăng cường trao đổi thông tin để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, lữ hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, thương mại, dịch vụ; trong đó tập trung vào nhóm đối tượng kinh doanh ăn uống có thương hiệu nổi tiếng, kinh doanh theo chuỗi, cơ sở kinh doanh có nhiều địa điểm hạch toán phụ thuộc”, ông Nam cho biết.