Vận dụng bảng điểm cân bằng đánh giá trung tâm trách nhiệm tại các doanh nghiệp may TP. Hà nội
Bảng điểm cân bằng (BSC) từ khi được Kaplan & Norton giới thiệu năm 1992 cung cấp cho các nhà quản lý một khung mẫu toàn diện, biến tầm nhìn chiến lược thành một hệ thống các chỉ tiêu. Các doanh nghiệp may trên địa bàn TP. Hà Nội đang hình thành các trung tâm trách nhiệm và xây dựng một hệ thống chỉ tiêu đánh giá trung tâm trách nhiệm dựa trên BSC. Nghiên cứu ý định vận dụng BSC đánh giá trung tâm trách nhiệm trong các doanh nghiệp là một nhu cầu thực tế, mang lại những đóng góp quan trọng về học thuật và giải pháp trong thực tiễn.
Đặt vấn đề
Với những thành tựu trong khoa học quản trị, việc phân cấp quản lý hình thành nên trung tâm trách nhiệm trong hầu hết các doanh nghiệp (DN) là tất yếu. Các DN cần phải đo lường thành quả hoạt động của các trung tâm trách nhiệm ra sao.
Trong các mô hình xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, BSC được nhiều nhà nghiên cứu, nhiều DN đánh giá cao vai trò của nó. Trong nghiên cứu này, tác giả làm rõ tính hữu ích của việc vận dụng BSC trong việc đánh giá trung tâm trách nhiệm tại các DN May trên địa bàn TP. Hà Nội, sử dụng phân tích định lượng theo mô hình Chấp nhận công nghệ TAM.
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Tác giả sử dụng mô hình TAM - Mô hình được Davis (1986) nghiên cứu và giới thiệu đầu tiên, tập trung vào làm rõ các nhân tố tác động đến sự chấp nhận công nghệ mới của người sử dụng, giải thích hành vi của người sử dụng dưới giác độ tin tưởng, thái độ, tính hữu ích và ý định sử dụng. Mô hình nghiên cứu được tác giả đề xuất với các giả thuyết sau:
- Giả thuyết 1 (H1): Nhận thức được tính hữu ích của BSC trong đánh giá trung tâm trách nhiệm tại các DN May trên địa bàn TP. Hà Nội.
- Giả thuyết 2 (H2): Nhận thức được tính dễ sử dụng của BSC sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc vận dụng BSC trong đánh giá trung tâm trách nhiệm tại các DN May trên địa bàn TP. Hà Nội.
- Giả thuyết 3 (H3): Ảnh hưởng của môi trường khuyến khích việc sử dụng BSC trong đánh giá trung tâm trách nhiệm tại các DN May trên địa bàn TP. Hà Nội.
Phương pháp nghiên cứu
Phiếu khảo sát được sử dụng để thu thập dữ liệu định lượng. Các câu hỏi về mức độ được đo lường bằng thang đo Likert – 5 mức độ. Trong nghiên cứu, tác giả khảo sát số liệu ở 70 DN May và tiến hành phát ra 140 phiếu, mỗi DN sẽ được phát 2 phiếu cho đối tượng là các nhà quản lý. Phần mềm SPSS 20 được sử dụng để xử lý số liệu điều tra.
Kết quả nghiên cứu
Kiểm định KMO và Barlett
Tác giả sử dụng 10 biến quan sát để do 03 nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng BSC trong đánh giá trung tâm trách nhiệm. Kết quả kiểm định KMO và Barlett được thể hiện qua Bảng 1. Hệ số KMO = 0,802>0,05 chứng tỏ nghiên cứu có đủ biến quan sát để cấu thành một nhân tố. Mức ý nghĩa Sig.=0,000<0,05% cho thấy, kiểm định Barlett có ý nghĩa thống kê và cho thấy việc phân tích các nhân tố là phù hợp.
Phân tích nhân tố khám phá
Với giả thuyết nghiên cứu là các nhân tố này có mối quan hệ tỷ lệ thuận với mức độ vận dụng BSC trong đánh giá trung tâm trách nhiệm tại các DN may trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả cho thấy, các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố lớn hơn so với tiêu chuẩn (0,50) và nên trong trường hợp có 1 biến bị loại: Nhà quản lý giỏi khuyên dùng. Về các nhóm nhân nhóm dễ dàng vận dụng và nhóm ảnh hưởng môi trường được gộp thành một.
Phân tích đánh giá độ tin cậy
- Đánh giá độ tin cậy của nhóm nhân tố hữu ích: Kết quả phân tích của nhóm nhân tố hữu ích cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo là 0,753 >0,7, các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát trong thang đo đều lớn hơn 0,4 và không có trường hợp loại bỏ biến quan sát nào có thể làm cho Cronbach’s Alpha của thang đo này lớn hơn 0,753. Vì vậy, tất cả các biến quan sát đều được chấp nhận và sẽ được sử dụng trong phân tích nhân tố tiếp theo.
- Đánh giá độ tin cậy của nhân tố nhận thức tính dễ sử dụng, ảnh hưởng môi trường: Kết quả phân tích của nhóm nhân tố dễ sử dụng, ảnh hưởng môi trường cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo là 0,812 >0,7, các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát trong thang đo đều lớn hơn 0,4 và không có trường hợp loại bỏ biến quan sát nào có thể làm cho Cronbach’s Alpha của thang đo này lớn hơn 0,812. Điều này, chứng tỏ các biến đủ độ tin cậy về tính gắn kết cho đánh giá nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng BSC.
Phân tích hồi quy đa biến
Nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của 2 nhóm nhân tố đến việc ứng dụng BSC trong đánh giá trung tâm trách nhiệm là tính hữu ích và dễ sử dụng, ảnh hưởng của môi trường theo các giả thuyết đã nêu, tác giả thực hiện phân tích hồi quy đa biến.
Hệ số R2 = 0,441 thể hiện tính hữu ích và dễ sử dụng, ảnh hưởng của môi trường có thể giải thích được 44,1% tổng tác động của các nhân tố đến ý định vận dụng BSC để đánh giá trung tâm trách nhiệm trong các DN may trên địa bàn TP. Hà Nội. Kiểm định giả thuyết về độ phù hợp với tổng thể của mô hình, giá trị F=46,158 với sig.=0.000 <5%. Chứng tỏ R bình phương của tổng thể khác 0. Đồng nghĩa với việc mô hình hồi quy tuyến tính xây dựng được là phù hợp với tổng thể.
Kết quả cho thấy, các giá trị ở cột Sig. đều <5% chứng tỏ 2 biến độc lập đều tác động có ý nghĩa thống kê đến biến phụ thuộc. Mối quan hệ giữa các biến được thể hiện qua phương trình sau:
du_dinh_vd = 0.594 + 0,528 * Tinh_huu_ich + 0,329 * Tinh_dsd_ahmt
Kết luận và khuyến nghị
Kết quả hồi quy đã ủng hộ các giả thuyết gồm: Tính hữu ích; tính dễ sử dụng, ảnh hưởng của môi trường đều có mối quan hệ thuận chiều và có ý nghĩa trung tâm trách nhiệm tại các DN may trên địa bàn TP. Hà Nội. Tính hữu ích tác động đến ý định vận dụng BSC với hệ số là 0,594 còn tính dễ sử dụng, ảnh hưởng của môi trường tác động thấp hơn với hệ số 0,329. Kết quả phân tích thể hiện mô hình đề xuất là phù hợp với dữ liệu.
Về mặt thực tiễn, để nâng cao hiệu quả sử dụng BSC trong đánh giá trung tâm trách nhiệm thì các nhà quản trị DN cần tập trung tăng cường nhận thức về tính hữu ích của việc vận dụng BSC. Do vậy, các DN may nói chung cần chú trọng nâng cao nhận thức và tích cực áp dụng trong hoạt động của mình.
Tài liệu tham khảo:
Đặng Thị Hương (2010), Áp dụng thẻ điểm cân bằng tại các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, Tạp chí khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội;
Trần Văn Tùng (2017), Vận dụng bảng điểm cân bằng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết, Tạp chí Tài chính tháng 8/2017;
Garrison R. H., Noreen E. W., Brewer P. C. (2010), “Managerial Accounting”,
Mc Graw-Hill International Edition;
Giannopoulos,G. và cộng sự (2013), “The use of the Balanced Scorecard in Smaill Companies”, International Journal of Business Management, Tập 48, Số 14;
Gumbus,A. & Lussier,R.N., (2006), “Entrepreneurs Use a Balanced Scorecard to Translate Strategy into Performance Measures”, Joural of Small Business Management;
Robert S. K. & David P. N. (2001), “Transforming the Balanced Scorecard from performance to stragic management: Part I”, Accounting Horizons.