“Rộng đường” tiếp vốn cho doanh nghiệp
Trong 5 tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp đã và đang có thêm nhiều cơ hội vay vốn mới từ các chính sách tăng lực tín dụng ngành ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN vừa nới room tín dụng cho một số ngân hàng, nhưng trong đó không có 4 ngân hàng có vốn Nhà nước.
Nhiều đích ngắm
Như thường lệ, càng về cuối năm, các ngân hàng càng mong muốn nới room tín dụng để thúc đẩy giải ngân và tạo đà cho năm tiếp sau. Tại thời điểm xin nới room, các ngân hàng có nhiều điều kiện thuận lợi:
Thứ nhất, bản thân các ngân hàng xin nới room đều có nền tảng và khả năng giải ngân tốt, hầu hết đã đạt chuẩn Basel II.
Thứ hai, nhu cầu giải ngân là có thực, và nếu không có tăng trưởng tín dụng, sẽ không có ngân hàng nào có nhu cầu nới room.
Thứ ba, nhiều nhóm ngành, kể cả những ngành còn nhiều khó khăn vì COVID-19 như du lịch, hàng không… đang phục hồi mạnh mẽ. Nói cách khác, điều kiện của bên cho vay dễ gặp cầu của bên đi vay.
Thứ tư, nền kinh tế đang đặt mục tiêu tăng trưởng tốt hơn đánh giá của các định chế quốc tế và không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay. Điều kiện để đạt được mục tiêu này là cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều phải được khơi thông, tận dụng hết dư địa khả dụng.
Báo cáo kinh tế thường niên 2020 của VEPR đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giả định đạt ở 5,3% trong năm nay, lạm phát ở mức 4%. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cũng bị ràng buộc bởi các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá. Do đó, nếu thực hiện nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn thì có thể dẫn đến mất giá tiền tệ, môi trường đầu tư trở nên rủi ro hơn; đồng thời làm trì hoãn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Cần mở rộng đối tượng cho vay
Mới đây, NHNN công bố sẽ chấp thuận nới room tín dụng cho tất cả những ngân hàng đã nộp hồ sơ xin tăng. Tức Techcombank, VPBank, TPBank, HDBank, VIB sẽ được duyệt tăng trưởng tín dụng từ 19- 23%; SHB, OCB, Sacombank, Viet Á Bank sẽ được nới room tín dụng từ 14- 19%... Theo phân nhóm, thì chính sách tiền tệ chung vẫn không phải nới lỏng mà rất linh hoạt. Thêm room tín dụng tức là linh hoạt tạo thêm cơ hội để ngân hàng rộng đường tiếp vốn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn phải an toàn cho chính các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch mạnh mẽ hơn nữa, NHNN nên chăng cần nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng: Ngoài thủ tục cần được giảm thiểu hơn để doanh nghiệp tiếp cận vốn hỗ trợ dễ dàng hơn, thì ngân hàng cần mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp ít thiệt hại và không thiệt hại bởi dịch. Đây chính là những doanh nghiệp đang bứt lên và gia cố lực cho đầu kéo nền kinh tế tăng tổng cầu, tăng trưởng kinh tế, tạo hiệu ứng lan tỏa sức sống và cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp còn lại.