Bộ Tài chính điều hành thu – chi NSNN hai tháng cuối năm 2014:
Vào chặng nước rút
(Tài chính) Để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính - NSNN được Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thu, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; triển khai đồng loạt các biện pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra giám sát, chống thất thu, tồn đọng, trốn nợ thuế…
Tiếp tục các biện pháp đang triển khai về thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm
Chỉ còn hai tháng nữa, để đạt các mục tiêu cụ thể đặt ra, ngành Tài chính tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý thu NSNN đã được cơ quan thuế, hải quan triển khai quyết liệt trong 10 tháng đầu năm 2014 như: kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp, ngành hàng có rủi ro cao về thuế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm số giờ kê khai nộp thuế, tăng số doanh nghiệp khai thuế điện tử và số địa phương nộp thuế điện tử, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung triển khai quyết liệt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2014; tăng cường công tác quản lý chi ngân sách, chủ động sắp xếp điều hành các nhiệm vụ chi, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá và các biện pháp bình ổn thị trường
Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn giá; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường giá cả; chú trọng quản lý, điều tiết, bình ổn một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (đặc biệt là giá hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất công, nông nghiệp,… giá các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Trong đó, có phương án bình ổn giá sữa khi các doanh nghiệp sữa chuyển sang thực hiện kê khai giá).
Riêng Giá xăng, dầu: Trong tháng 10 Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương thực hiện 02 lần điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng, dầu (ngày 13/10/2014 và 23/10/2014). Trong đợt điều chỉnh ngày 23/10/2014, giá bán các mặt hàng xăng dầu sau khi điều chỉnh giảm không cao hơn giá cơ sở theo quy định đã bao gồm khôi phục mức trích Quỹ BOG (giá cơ sở xăng RON 92: 22.341 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S: 19.762 đồng/lít, dầu hỏa: 20.060 đồng/lít; dầu madút 180CST 3,5S: 16.572 đồng/kg). Đồng thời, trích Quỹ Bình ổn giá 300 đồng/lít, kg (khôi phục thêm 200 đồng/ lít, kg từ mức 100 đồng/ lít, kg) đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Từ 1/11/2014, Liên Bộ Tài chính – Công thương sẽ thực hiện Thông tư 39/2014/TTLT-BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) và điều hành giá xăng dầu, với nhiều nội dung mới so với quy định hiện tại. Trong đó, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm chính, nhưng Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp tham gia để công tác bình ổn giá xăng dầu và điều hành quản lý theo đúng quy định.
Phấn đấu hoàn thành dự toán NSNN:
Mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN. Do vậy, Bộ Tài chính phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng thuế; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; hạn chế tối đa trình cấp có thẩm quyền ứng trước dự toán ngân sách và ứng vốn trái phiếu Chính phủ năm sau. Phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán được giao.
Các đơn vị như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan là các đơn vị trực tiếp khai thác thu cho NSNN phải tổ chức thực hiện tốt các giải pháp như: theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về số phải nộp NSNN... phấn đấu thu vượt mức đề ra. Các vụ chức năng khác: tích cực, chủ động trong tổ chức điều hành NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi; đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán và ứng vốn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách chặt chẽ, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh./.