Vào cuộc quyết liệt để thực hiện chính sách bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên
Hiện nay, trên cả nước vẫn còn khoảng 6,5% học sinh, sinh viên (HSSV) chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhóm HSSV đã được quy định là nhóm bắt buộc tham gia BHYT từ ngày 1/1/2010 (theo quy định tại Luật BHYT 2008), nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tỷ lệ 100%. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
Vẫn còn khoảng 6,5% HSSV chưa tham gia BHYT
Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT), HSSV đã góp phần quan trọng trong mục tiêu BHYT toàn dân, Thủ tướng đã có chỉ thị và đặt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. Do có sự ưu việt, thiết thực về quyền lợi, giàu tính nhân văn nên BHYT HSSV đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội, quan tâm của Đảng, Nhà nước.
Chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các bộ ngành, các cấp trong thực hiện chính sách BHYT HSSV, như: Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 29/3/2013; Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 của Thủ tướng... Như vậy, từ định hướng chỉ đạo tới cơ sở pháp lý BHYT HSSV đã được Đảng, Nhà nước ban hành đầy đủ, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương thực hiện chính sách này.
Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong giao chỉ tiêu tham gia BHYT của HSSV tới từng cơ sở giáo dục. Tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm số tiền đóng góp đầu năm học.
Cùng với đó, HSSV được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế. Nếu địa phương không có cơ sở y tế tuyến xã, huyện, hoặc những cơ sở y tế này không đạt yêu cầu có thể đăng ký ở tuyến tỉnh, trung ương khi được cơ quan chức năng chấp thuận...
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng HSSV tham gia BHYT tăng đáng kể qua các năm. Năm học 2013-2014 số HSSV tham gia BHYT đạt khoảng 85%, đến năm học 2017-2018 số HSSV tham gia BHYT đạt khoảng 93,5%, tương đương 16,5 triệu em, trong đó 12,3 triệu em tham gia tại nhà trường và 4,2 triệu em tham gia theo các nhóm đối tượng khác. Như vậy, vẫn còn khoảng 6,5% HSSV chưa tham gia BHYT.
BHXH Việt Nam cho biết: Năm học 2018 - 2019, mức phí BHYT của nhóm HSSV tiếp tục có sự điều chỉnh do tính theo mức lương cơ sở, tăng từ 40.950 đồng/tháng lên 43.785 đồng/tháng (do mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2018 điều chỉnh tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng).
Tuy mức tăng không nhiều, nhưng Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng vẫn sẽ làm tăng thêm khó khăn cho công tác này. Đặc biệt, khi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV ở một số nhà trường còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, một bộ phận HSSV chưa hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Một số cơ sở giáo dục chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV…
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, mức đóng BHYT của HSSV năm học 2018 - 2019 tăng lên theo mức lương cơ bản cũng là một trong những khó khăn khi duy trì HSSV tham gia BHYT với tỉ lệ cao và bền vững. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV và các bậc phụ huynh.
Thực tế, dù nhóm HSSV đã được quy định là nhóm bắt buộc tham gia BHYT từ 1/1/2010 (theo quy định tại Luật BHYT 2008), nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tỷ lệ 100%. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
Theo ông Trần Đình Liệu, chủ trương phát triển BHYT HSSV của nước ta là nhất quán. Tuy nhiên, ngay trong các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về BHYT HSSV, chúng ta vẫn có không ít vướng mắc cần phải được tháo gỡ.
Mặc dù đã có quy định “bắt buộc” tham gia BHYT, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương; đối tượng SV, đặc biệt là SV từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao (chiếm tỷ lệ khoảng 70 - 80%).
Giao chỉ tiêu tham gia BHYT của HSSV đối với từng trường học
Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, cần sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan liên quan.
Về trách nhiệm của ngành BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định, ngành BHXH sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV tham gia BHYT. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các đại phương chủ động thực hiện các nội dung, như: Báo cáo, tham mưu UBND tỉnh thành có văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV đối với các cơ sở GD&ĐT.
Trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện BHYT cho sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ 2 trở đi; ngành GD&ĐT giao chỉ tiêu tham gia BHYT của HSSV đối với từng trường học và đưa vào tiêu chí thi đua.
Đồng thời, BHXH các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT, chú trọng vào nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT. Cùng đó, rà soát, phân loại HSSV chưa tham gia BHYT và sắp hết hạn trong cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phối hợp với nhà trường vận động các em tham gia.
Thực hiện rà soát, bổ sung đầy đủ quá trình tham gia, quyền lợi hưởng, thời điểm đủ 5 năm liên tục và thực hiện cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao thu BHYT HSSV, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định...
Là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận: Công tác BHYT HSSV gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ tham gia BHYT HSSV tại một số cơ sở giáo dục vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Mặc dù tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt cao nhưng tỷ lệ SV khối các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tham gia BHYT trên cả nước còn thấp, đến nay mới có gần 80% SV tham gia BHYT.
Không hiếm tình trạng một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm liệt kê số tiền đóng BHYT SV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho SV… Chính vì thế, chủ yếu là SV năm thứ nhất tham gia BHYT, giảm dần vào các năm học giữa và cuối khóa.
Để thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2018 - 2019, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện một loạt các giải pháp như tiến hành lập danh sách HSSV và phối hợp với BHXH tổ chức thu BHYT kịp thời, nhằm bảo đảm quyền lợi thụ hưởng chính sách BHYT cho HSSV được liên tục.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số lượng HSSV tham gia BHYT tăng đáng kể qua các năm. Năm học 2013 - 2014 số HSSV tham gia BHYT đạt khoảng 85%, đến năm học 2017 - 2018 số HSSV tham gia BHYT đạt khoảng 93,5%, tương đương 16,5 triệu em, trong đó 12,3 triệu em tham gia tại nhà trường và 4,2 triệu em tham gia theo các nhóm đối tượng khác. Như vậy, vẫn còn khoảng 6,5% HSSV chưa tham gia BHYT.