Bảo hiểm thất nghiệp: Không chỉ thiên về trợ cấp
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi là “phao cứu sinh” cho người lao động, và không ngừng được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia thời gian qua.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 7 số người tham gia BHTN là 11,89 triệu người; Đã giải quyết cho 83.995 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 4.418 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2018 đã giải quyết cho 373.887 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 18.986 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, nhằm bù đắp cho người lao động bị mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách BHTN đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo đánh giá của Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH, chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức (nơi người lao động dễ bị tổn thương), còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập. Các chế độ BHXH chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc (đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững).
Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - cũng cho rằng, là do ý thức chấp hành pháp luật BHTN của một số chủ sử dụng lao động chưa cao. Nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thường co tỷ lệ trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng lớn của người lao động vào Quỹ BHTN. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động, quan tâm đến quyền lợi BHTN đối với người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp không đăng ký, chậm đăng ký tham gia BHTN cho người lao động.
Mặt khác, tổ chức công đoàn cơ sở ở nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi BHTN cho người lao động; sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHTN còn hạn chế, không thường xuyên.
Mục tiêu đạt được 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN vào năm 2020 được cho là khó hoàn thành. Tuy nhiên, đây là quyết tâm chính trị. Vì vậy, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh - cho rằng, điều cốt lõi là phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu việt trong chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội. “Phải làm sao để người dân nhận thức được rằng, tham gia vào hệ thống an sinh xã hội không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của người dân đối với xã hội” - Bà Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh.
Thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về BHTN và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng đối tượng tham gia cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở sử dụng hiệu quả Quỹ BHTN. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban, ngành trong việc thực hiện chính sách BHTN.
Chính sách BHTN hiện nay mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ người lao động sau khi bị thất nghiệp mà chưa có nhiều biện pháp chủ động để hỗ trợ người lao động nhằm duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.