Về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và một số khuyến nghị
Một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của người dân quan tâm thời gian qua là hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Bài viết giới thiệu tổng quan về hợp đồng bảo hiểm, một số vấn đề phát sinh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm giảm thiểu những bức xúc, tranh chấp, khiếu kiện của người tham gia bảo hiểm trong thời gian tới.
Tổng quan về hợp đồng bảo hiểm
Khái niệm
Theo khoản 16, Điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Theo quy định hiện hành, các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; và Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm. Trong đó, đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ, tính mạng con người. Cần lưu ý rằng, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng dịch vụ tài chính dài hạn và mang tính đặc thù. Vì vậy, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều điều khoản chi tiết với các thuật ngữ chuyên ngành.
Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm
Theo Điều 16, Luật Kinh doanh bảo hiểm, việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau:
- Trung thực tuyệt đối: Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
- Quyền lợi có thể được bảo hiểm: Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật này.
- Bồi thường: Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
- Thế quyền: Người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.
- Rủi ro ngẫu nhiên: Rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được.
Nội dung của hợp đồng bảo hiểm
Theo Điều 17, Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây: Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), DNBH hoặc chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; Đối tượng bảo hiểm; Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm; Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; Quyền và nghĩa vụ của DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm; Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Phương thức giải quyết tranh chấp.
Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm
Thời gian qua, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ gây ra không ít tranh cãi từ các người tham gia bảo hiểm. Hiện nay, theo khoản 1, Điều 27, Luật Kinh doanh bảo hiểm, hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm đối với từng trường hợp như sau:
Thứ nhất, trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 26, Luật Kinh doanh bảo hiểm thì đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Thứ hai, trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26 của Luật này, DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm hoàn phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Thứ ba, trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 26, Luật Kinh doanh bảo hiểm, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có giá trị hoàn lại, DNBH phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Thứ tư, trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 4 Điều 26 của Luật này, bên mua bảo hiểm được nhận lại giá trị hoàn lại hoặc phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phù hợp với từng sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp giá trị tài sản thấp hơn so với dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao, số tiền bên mua bảo hiểm nhận lại được tính toán trên cơ sở tỷ lệ giữa giá trị tài sản và dự phòng nghiệp vụ của danh mục hợp đồng bảo hiểm được chuyển giao.
Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
Đây cũng là vấn đề gây ra khá nhiều tranh cãi trong thời gian qua liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, các hợp đồng bảo hiểm thường ghi rõ các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, nhưng người tham gia bảo hiểm lại ít khi quan tâm, đến lúc xảy ra vấn đề, yêu cầu bồi thường thì lại xảy ra tranh chấp.
Theo Điều 19, Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định các trường hợp DNBH không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, DNBH phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được DNBH giải thích đầy đủ và hiểu rõ nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến bên mua bảo hiểm chậm thông báo sự kiện bảo hiểm thì DNBH không được áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm về việc chậm thông báo.
Giải thích hợp đồng bảo hiểm
Theo Điều 24, Luật Kinh doanh bảo hiểm, trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Trường hợp DNBH cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. DNBH phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).
Vướng mắc về hợp đồng bảo hiểm
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 1/4 thế kỷ với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, trong quá trình tăng trưởng nhanh về “lượng”, “chất” chưa có sự phát triển tương xứng. Điển hình là thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng theo các hợp đồng bảo hiểm. Thực tế cho thấy, nhiều DNBH chỉ chú trọng việc bán được sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, mà lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý.
Một trong những vấn đề gây tranh luận nhiều trong thời gian qua là hợp đồng bảo hiểm. Thông thường, một bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài từ 25-60 trang, cũng có trường hợp dài trên 100 trang. Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng dịch vụ tài chính dài hạn và mang tính đặc thù. Vì vậy, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều điều khoản chi tiết với các thuật ngữ chuyên ngành. Bên cạnh đó, việc giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ gắn liền với những rủi ro, tức là những biến cố không chắc chắn nên các DNBH thường phải đưa ra nhiều tình huống giả định (Nếu…; Trong trường hợp…; Ngoại trừ…). Chính điều này làm cho câu văn sử dụng trong hợp đồng trở nên phức tạp hơn. Do vậy, kể cả khi có chủ ý đọc hợp đồng bảo hiểm, nhiều người tham gia bảo hiểm vẫn rối, không thể nắm hết thông tin vì quá dài, nhiều thuật ngữ chuyên ngành, khó có thể hiểu đúng. Thậm chí, nhiều nhân viên mới vào nghề không thể nắm bắt đầy đủ nội dung hợp đồng bảo hiểm, chỉ biết các quyền lợi cơ bản khách hàng được hưởng. Bên cạnh đó, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm nên sau đó đã phát sinh các khiếu nạn, khiếu kiện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật, hợp đồng bảo hiểm là một giao dịch pháp lý, đồng thời là tài sản của chính khách hàng, vì thế ngoài quyền lợi nhận được khi tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm, khách hàng cũng phải có nghĩa vụ tương đương với các DNBH. Ngoài ra, khó có chuyện DNBH cố tình đưa ra một bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài trăm trang với nhiều thuật ngữ khó hiểu để “bẫy” khách hàng. Bởi, toàn bộ quy định, điều khoản, nội dung loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đều được ghi rõ và được cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính phê duyệt.
Một số vấn đề cần lưu ý
Để những giá trị cốt lõi nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng và đảm bảo một số yêu cầu đặt ra khi cả DNBH lẫn người tham gia bảo hiểm cùng kí hợp đồng bảo hiểm, trong thời gian tới, cần chú ý một số nội dung trọng tâm sau:
Đối với cơ quan quản lý
- Nghiên cứu xây dựng hợp đồng mẫu theo hướng ngắn gọn hơn để giúp người tham gia bảo hiểm dễ dàng nắm bắt.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các DNBH và hoạt động tư vấn bảo hiểm của tư vấn viên.
- Xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông phù hợp với tình hình thực tiễn để góp phần nâng cao kiến thức cho người dân về bảo hiểm nhân thọ cũng như trách nhiệm về việc đọc kỹ các nội dung hợp đồng bảo hiểm.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
- Thường xuyên đào tạo, tập huấn về quyền lợi, đặc biệt là các điều khoản hợp đồng bảo hiểm để khi tư vấn giúp người tham gia dễ hình dung, nắm bắt nội dung hợp đồng.
- Thường xuyên yêu cầu tư vấn/đại lý bảo hiểm phải nắm vững và tư vấn đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như các yếu tố loại trừ bảo hiểm cho khách hàng nắm rõ trước khi ký hợp đồng bảo hiểm.
- Rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Đối với người tham gia bảo hiểm
- Cần nhận thức đầy đủ và rõ ràng về hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng có giá trị kinh tế, thậm chí còn là tài sản của chính khách hàng, vì vậy việc đọc và hiểu "đồng tiền của mình có được tiêu dùng hợp lý hay không" cũng là trách nhiệm của người chủ hợp đồng.
- Cần đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm, tìm hiểu quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, các trường hợp được chi trả, bồi thường và các điều khoản loại trừ nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2022), Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 ngày 16/6/2022;
- Chính phủ (2023), Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm;
- Hoàng Minh (2023), Không có chuyện “bẫy” khách hàng trong hợp đồng bảo hiểm, Tạp chí Tài chính điện tử.