Kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2022):
Về vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính
Đồng chí Phạm Văn Đồng – nhà cách mạng tiền bối của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là người được Hồ Chủ tịch và Chính phủ giao trọng trách Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính ngay sau ngày Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân, đồng bào. Có thể nói, tuy giữ cương vị người đứng đầu ngành Tài chính trong thời gian ngắn (9/1945-3/1946) khi đất nước đang "ngàn cân treo sợi tóc" song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, ngành Tài chính đã từng bước củng cố, xây dựng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp cho các nhu cầu chi tiêu to lớn và cấp bách của công cuộc kháng khiến.
Đồng chí Phạm Văn Đồng sinh ngày 1/3/1906, trong một gia đình trí thức ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và có tên gọi thân mật là Tô. Đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một nhà lãnh đạo tài năng, uy tín, một nhà văn hóa lớn của Đất nước.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi còn là một thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng đã sớm giác ngộ cách mạng, đã biết đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tìm hiểu tư tưởng cách mạng của Người thông qua sách báo được truyền bá vào Việt Nam lúc bấy giờ như báo “Người cùng khổ”, “Nhân đạo”, “Tạp chí thư tín quốc tế”…
Năm 1926, đồng chí được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới - con đường cách mạng vô sản, đồng chí Phạm Văn Đồng đã được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và từ đó có điều kiện gặp gỡ nhiều hơn với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc...
Đầu năm 1940, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng những nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, tháng 8/1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, được bầu vào Ủy ban Thường trực gồm 5 người thuộc Ủy ban Dân tộc giải phóng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, giữ chức Bộ trưởng Tài chính, Phó Trưởng ban Thường vụ Quốc hội (khóa I).
Đồng chí Phạm Văn Đồng là người có nhiều công lao trong xây dựng và quản lí nhà nước. Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1947), ủy viên chính thức (1949). Ủy viên Bộ Chính trị các khóa II, III, IV, V (2.1951-1986). Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 12-1986 đến năm 1997). Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, V, VI, VII (từ năm 1946 - 1987). Đồng chí Phạm Văn Đồng mất ngày 29/4/2000./.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, nhà nước công nông non trẻ vừa giành được chính quyền đã lập tức phải đương đầu với ba thứ giặc, đó là “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Tình hình chính trị, xã hội của đất nước sau ngày Cách mạng tháng Tám là vô cùng gian nan, phức tạp, ở thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Ngân quỹ của chính quyền Cách mạng non trẻ gần như trống rỗng, trong khi Đảng và Chính phủ phải đứng trước nhiệm vụ rất nặng nề và cấp bách: xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân, chống âm mưu và hành động bạo loạn lật đổ cùng hành động xâm lược của các thế lực thù địch, khôi phục và phát triển sản xuất, giải quyết hậu quả nặng nề của nạn đói và thiên tai, lũ lụt gây ra… Một trong những nhiệm vụ, sứ mệnh nặng nề của ngành Tài chính non trẻ lúc này là phải huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng của Chính phủ, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới thành lập.
Với vai trò là người đứng đầu ngành Tài chính trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo toàn Ngành tập trung xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Bộ trưởng đã cùng toàn ngành Tài chính tiến hành cải cách hệ thống thuế cũ, bãi bỏ các thứ thuế bất hợp lý, xây dựng một chế độ thuế mới phù hợp, đồng thời kêu gọi nhân dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ chính quyền cách mạng. Việc khôi phục, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, coi đây là quốc sách hàng đầu cũng được ngành Tài chính thực hiện góp phần khích lệ toàn dân tham gia hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc...
Bên cạnh các giải pháp cấp bách nói trên, ngành Tài chính cũng sớm xác định các nguồn thu lâu dài và thường xuyên cho NSNN phải dựa trên nghĩa vụ đóng góp theo pháp luật Nhà nước của toàn xã hội cũng như mỗi công dân, nên đòi hỏi phải sớm có những chính sách huy động các nguồn lực công bằng, thường xuyên, đều đặn.
Đặc biệt, để chủ động về mặt tài chính, khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế của Nhà nước cách mạng non trẻ, ngành Tài chính đã phát hành thành công Giấy bạc Tài chính hay Giấy Bạc Cụ Hồ, vừa làm vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, tín dụng, tiền tệ, vừa đảm bảo cung cấp cho nhu cầu chi tiêu tài chính của đất nước và quốc phòng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hình thành một nền tài chính độc lập, tự chủ, lấy dân làm gốc, dựa vào dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Theo đó, tháng 11/1945, để thực hiện chủ trương phát hành một đồng bạc độc lập, Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã cho mời 4 họa sỹ nổi tiếng đương thời là Mai Văn Hiến, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Khanh, Nguyễn Huyến cùng các họa sỹ Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Lê Khả chia ra làm nhiều nhóm để tham gia vẽ mẫu tiền Giấy bạc Tài chính Việt Nam. Sau nhiều tháng làm việc miệt mài, các họa sỹ đã cho ra đời 4 mẫu giấy bạc: 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng và 100 đồng... Ngày 3/2/1946, địa phương đầu tiên được Chính phủ lựa chọn phát hành thí điểm Giấy bạc Tài chính Việt Nam là thị xã Quảng Ngãi, sau đó là ở hầu khắp các tỉnh miền Nam Trung Bộ.
Nhằm động viên mọi người dân yêu nước tự nguyện góp công, góp của cho Tổ quốc, trong khuôn khổ Quỹ Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ Lâm thời, gửi thư kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng “Tuần lễ Vàng”, với mục đích “thu góp số vàng trong nhân dân và nhất là của những nhà giàu có để dùng vào việc cần cấp và quan trọng nhất lúc này là quốc phòng”. Từ ngày 17 đến 24/9/1945, “Tuần lễ Vàng” được phát động. Ngày khai mạc ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chính phủ đọc thư gửi đồng bào toàn quốc của Hồ Chủ tịch. Kết quả là thông qua “Tuần lễ Vàng”, nhân dân Hà Nội đã đóng góp được 2.201 lượng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và các hiện vật khác tổng giá trị trên 7 triệu đồng Đông Dương. Tại Thừa Thiên - Huế, nhân dân, công chức, bộ đội, công nhân tích cực tham gia “Tuần lễ Vàng”, “Tuần lễ đồng”. Riêng Thành phố Huế đã thu được 945 lượng vàng, 3 huyện phía Bắc của Thừa Thiên - Huế đóng góp 10 kg vàng, Huyện Phú Vang 25 lượng, Thôn Cự Lại (Phú Vang) đóng góp hơn 5 tạ đồng... Tổng kết Quỹ Độc lập và “Tuần lễ Vàng”, cả nước đã thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thổ thu được trên toàn quốc trong 1 năm dưới thời Pháp thuộc. Trong bối cảnh kinh tế và đời sống lúc đó, kết quả trên là một con số rất lớn có ý nghĩa quan trọng, đồng thời cho thấy lòng yêu nước của nhân dân, nhất là nhân dân lao động rất cao...
Có thể nói, tuy nắm giữ cương vị người đứng đầu ngành Tài chính trong thời gian ngắn (9/1945-3/1946) trong bối cảnh đất nước đang ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, ngành Tài chính đã từng bước củng cố, xây dựng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp cho các nhu cầu chi tiêu to lớn và cấp bách của công cuộc kháng khiến. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, ngành Tài chính đã xây dựng và ban hành các chủ trương chính sách về tài chính đúng đắn, vừa đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Những chủ trương chính sách đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất, cải thiện một bước đời sống nhân dân, từ đó phát huy tinh thần yêu nước và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, càng hăng hái tham gia kháng chiến, tham gia các cuộc vận động tăng gia sản xuất và tiết kiệm, sẵn sàng đóng góp để tài chính nhà nước có đủ điều kiện cần thiết đảm bảo cho nhu cầu của kháng chiến, của xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. “75 năm Tài chính Việt Nam 1945-2020”, NXB Tài chính
2. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính: mof.gov.vn.