Công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015:
Chủ động hội nhập để đạt mức tăng trưởng cao
(Taichinh) - Tình hình kinh tế, những kết quả đạt được cũng như các vấn đề tồn tại, cần nhận diện hoặc khuyến cáo để đạt được mức tăng trưởng hợp lý nhất là nội dung chính của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công bố ngày 28/5.
TS. Nguyễn Đức Thành, đại diện VEPR nhận định, nền kinh tế nước ta đang thể hiện rõ sự hồi phục tuy chỉ ở tốc độ vừa phải, trong đó đáng chú ý là sản xuất công nghiệp có sự chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thành công trong điều hành giá và kiểm soát lạm phát, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp và các yếu tố đó góp phần quan trọng trong việc tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an sinh xã hội.
Báo cáo năm nay cũng đưa ra hai kịch bản kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2015 và một số vấn đề liên quan đến chính sách ngắn hạn, hoạt động điều hành hiện nay.
Hai kịch bản dự báo cho thấy khả năng tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng đã hình thành, tạo đà từ năm 2013 đến nay. Cụ thể, kịch bản "thấp" dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2015 đạt khoảng 6,1% và lạm phát tăng khoảng 1,9% so với năm ngoái - tức là vẫn duy trì ở mức khá thấp.
Trong khi đó, kịch bản "cao" cho rằng khi nền kinh tế phục hồi mạnh hơn một chút, với sự bổ sung về nguồn lực, vốn và các loại nguyên liệu, vật tư đầu vào thì GDP sẽ tăng 6,3% nhưng lạm phát có thể lên tới 3,2% so với năm ngoái.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng cũng diễn ra nhanh hơn vào thời điểm các tháng cuối năm. Như vậy, có thể nhận thấy những kết quả nghiên cứu và dự báo của VEPR gần như tương đồng, gần gũi với dự báo về khả năng tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Mặt khác, VEPR cũng nhận định, triển vọng kinh tế thế giới năm nay sẽ tiếp tục tăng ở mức vừa phải so với năm 2014, với kỳ vọng nền kinh tế Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là những nhân tố thúc đẩy tăng trưởng. Điều đó cũng tương ứng với điều kiện thuận lợi để Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang các thị trường này với vai trò là những thị trường nhập khẩu chủ yếu.
Theo các chuyên gia, bối cảnh phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng thể hiện rõ đặc điểm là tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa, gắn kết và chịu tác động tương tác với đời sống kinh tế thế giới.
Trong đó khẳng định, hoạt động hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng, góp phần tăng trưởng GDP, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, gia tăng giá trị thương hiệu đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ở thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo một số vấn đề, hạn chế cần nhận diện để tìm cách tháo gỡ, cải thiện, gồm: Sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) chưa cao, chưa ổn định; nhiều đơn vị còn lúng túng, thiếu tinh thần chủ động trong hội nhập; tình trạng lạc hậu về trang thiết bị và dây chuyền sản xuất tại các DN.
Như vậy, xét về chủ quan thì kết quả tăng trưởng là bao nhiêu, nghiêng về kịch bản nào sẽ phụ thuộc vào hiệu quả chủ động hội nhập quốc tế ở mức nào trên cơ sở linh hoạt, tận dụng cơ hội, phát huy tiềm năng, hạn chế những bất lợi của nền kinh tế.
Song xét về khách quan thì những diễn biến khó lường về giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, tình hình an ninh trên thế giới cũng như khu vực Biển Đông cũng là những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2015.
Bên cạnh đó, cấp vĩ mô cũng cần nghiên cứu, đưa ra những đối sách, cơ chế phù hợp để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường tại Việt Nam, tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; tăng tốc đàm phán tiến tới ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Làm tốt những vấn đề nói trên, nền kinh tế sẽ có thêm cơ hội hội nhập hiệu quả hơn vào đời sống kinh tế thế giới; đặc biệt là tạo ra thời cơ mở rộng quy mô xuất khẩu, thu hút đầu tư cũng như tăng cường hợp tác kinh doanh cho DN nội địa.
Xét về tổng thể, nền kinh tế có phát triển nhanh, bền vững hay không chủ yếu phụ thuộc vào hiệu quả khai thác tiềm năng, thế mạnh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ tiếp tục các hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN, nhất là về các thủ tục hải quan, thuế và liên quan đến quá trình đăng ký thành lập mới hoặc rút lui khỏi thị trường của DN.
Đến nay, cộng đồng DN cũng đồng thuận với nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào mục tiêu tăng cường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu tiếp cận nguồn vốn và vay vốn, mặt bằng sản xuất.