Vì sao đô thị “khập khiễng” hạ tầng?

Theo Nguyên Đức/Báo Đắk Lắk

Đi cùng tiến độ phát triển hạ tầng, hướng đến các tiêu chí tăng trưởng, quy mô hơn, các thành phố tất yếu định hình những khu đô thị mới, kết quả cụ thể của yêu cầu đô thị hóa hiện đại và hoàn chỉnh hơn. Song liệu các khu đô thị ấy có được đầu tư bài bản, đầy đủ các tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội hay không, lại là bài toán không đơn giản.

Một góc đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia
Một góc đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Thực tế cho thấy rất nhiều khu vực phát triển mới tại các đô thị lớn lâu nay lâm vào tình trạng bất cập về tổ chức hoạt động, khai thác sau đầu tư, bởi “bất cập” hạ tầng.

Những khu đô thị… khập khiễng?

Tại phiên tiếp xúc cử tri mới đây của Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng với cư dân khu đô thị Hòa Xuân, rất nhiều người dân phản ánh hạ tầng đô thị tại khu vực này không đáp ứng kịp nhu cầu đời sống dân sinh. Lãnh đạo HĐND TP. Đà Nẵng phải đặt ngược câu hỏi về UBND quận Cẩm Lệ và các ngành quản lý chức năng thuộc địa bàn, để rồi nhận được câu trả lời có quá nhiều bất cập từ góc độ quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị tại chỗ.

Một chuyên gia tư vấn quy hoạch thuộc Bộ Xây dựng hoạt động tại địa bàn này chia sẻ, so với bản vẽ quy hoạch đầu tiên về khu đô thị Hòa Xuân, đến nay Đà Nẵng đã có 17 lần điều chỉnh quy hoạch lớn nhỏ với tổng thể và các khu vực vị trí khu đô thị. Điều ấy dẫn đến những sai lệch rất lớn, thay đổi nhiều khu vực, tính năng được quy hoạch theo dự án.

Trong đó, phải nhấn mạnh đến những điều chỉnh thay đổi diện tích cây xanh đô thị, công trình công cộng, văn hóa xã hội… Hệ lụy kéo theo là khu đô thị đã mọc lên, phát triển, dần phủ kín diện tích khai thác nhà ở dân cư, nhưng không còn thấy tỷ lệ hợp lý về đất bố trí các hạng mục công cộng như trường học, nhà văn hóa cộng đồng, trạm y tế…

Đây lại không hề là chuyện lạ đối với các khu đô thị hiện nay, cũng không chỉ ở Đà Nẵng hay Hà Nội… Chuyên gia tư vấn nhìn nhận, thực trạng bùng nổ đầu tư các khu đô thị nhằm đón bắt cơ hội phát triển đô thị, nhắm vào các giá trị quỹ đất đô thị gia tăng, có nơi đột biến giá vài chục đến vài trăm lần so với quá khứ, là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các khu đô thị khập khiễng, “khuyết tật” hạ tầng.

Chỉ cần lướt qua những vùng phát triển “nóng” đô thị ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế…, giới đầu cơ đất đai đã có thể kiểm đếm hàng trăm dự án nhà ở dân cư, tiểu khu đô thị mọc lên “như nấm” nhưng hoang tàn phế lạnh vì không thể thu hút được dân cư, bởi thiếu từ hệ thống thoát nước, chống ngập cục bộ đến những công trình  văn hóa, bảo đảm dân sinh an cư lạc nghiệp như cam kết của các chủ đầu tư.

“Khập khiễng” đến khi nào?

“Không đơn giản giải thích được hiện tượng các khu đô thị mọc lên ồ ạt rồi phát triển “khập khiễng” như vậy, bởi tất cả đều liên quan tầm nhìn quy hoạch của các địa phương. Điều này giải thích tại sao mới đây, Chính phủ và các bộ, ngành đã yêu cầu công khai bản đồ quy hoạch, định hướng đô thị ở các tỉnh thành, công khai số hóa các dữ liệu quy hoạch cụ thể để người dân theo dõi, nắm bắt và hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh, sửa chữa quy hoạch” - một chuyên gia tư vấn đánh giá.

Theo đại diện Hiệp hội Phát triển đô thị Việt Nam, cần phải kiên định ngay từ đầu các bài toán quy hoạch đô thị khu vực, vùng miền và địa phương, từ đó chính các sở, ngành quản lý phải công tâm, công chính làm tốt công tác giám sát, đôn đốc thực hiện các quy hoạch, mới có thể dứt điểm tình trạng bùng nổ đô thị “khập khiễng” hạ tầng.

Quan trọng hơn, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, ngành xây dựng và tài nguyên môi trường là “chìa khóa” then chốt để đảm bảo các chủ đầu tư dự án phát triển đô thị tuân thủ nghiêm những hoạch định đầu tư, định mức quy hoạch và làm tốt các nghĩa vụ liên quan.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư có tâm, có tầm nhìn, tham gia đầu tư đúng các cam kết về hạ tầng đô thị, hạ tầng dân sinh, văn hóa, xã hội… Thực tế không ít nhà đầu tư đã phản ánh, nhiều dự án khu đô thị được đấu thầu, triển khai minh bạch, bảo đảm chất lượng lại gặp trở ngại từ chính công tác điều chỉnh thay đổi quy hoạch của các cấp ngành, sở quản lý.

Lý do những thay đổi này, lại nằm ngoài kế hoạch của các chủ đầu tư, thậm chí sai khác so với quy hoạch đã có. Vì vậy, tình trạng các khu đô thị mới bị điều chỉnh, cấu trúc lại không như ban đầu vạch ra càng phổ biến và “khập khiễng” hơn.

TP. Buôn Ma Thuột cũng như những đô thị mới khác tại Đắk Lắk liệu có tránh được những bất cập, "khập khiễng" như của các đô thị đi trước hay không? Liệu những tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn, liên quan đến những câu hỏi “quyền lợi nhóm” có phải đặt ra hay không? Đó là những vấn đề lớn, thiết thực và trọng yếu, về tương lai của một thành phố cao nguyên và một tỉnh nằm ở vị trí quan trọng.