“Vật cản” của quá trình đô thị hóa tỉnh Đắk Lắk
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 286/QĐ-TTg, ngày 9/3/2018, giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt khoảng 35%, đến năm 2030 đạt 46,5%. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh mới đạt 24,72% (thấp hơn trung bình toàn vùng Tây Nguyên - 29%).
Chậm tiến độ
Tỷ lệ đô thị hóa tăng chậm (khoảng 0,02%/năm) cho thấy có sự mất cân đối giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn và có thể dẫn tới việc gia tăng khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu vực đô thị và nông thôn.
Hơn nữa, quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột và phát triển chậm tại các thị trấn. Ngoài ra, công tác công nhận loại đô thị chưa đi đôi với nâng cấp quản lý đô thị, ảnh hưởng đến mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về công tác nâng loại đô thị, nhiều địa phương cũng bị chậm so với tiến độ. Đơn cử như thị xã Buôn Hồ, do đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung thị xã nên việc nâng cấp lên đô thị loại III phải triển khai sau khi hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch.
Còn đối với huyện Cư Kuin, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất chủ trương cho địa phương này lập Đề án công nhận xã Dray Bhăng là đô thị loại V, giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn đã đánh giá một số tiêu chí chưa đảm bảo theo quy định nên công tác nâng cấp đô thị phải tạm dừng để tập trung đầu tư.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 26/10/2012 của Tỉnh ủy, về phát triển hệ thống đô thị đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đối với công tác nâng loại đô thị vẫn chưa hoàn thành, chẳng hạn như: nhiệm vụ thành lập thị xã Ea Kar và thị trấn Ea Knốp là thị trấn huyện lỵ của huyện Ea Kar; thành lập mới thị trấn Buôn Đôn; nâng cấp quản lý hành chính thị xã thuộc tỉnh khi đã đáp ứng các điều kiện cần thiết đối với huyện Krông Pắc và Krông Ana; xã Cư Né thành lập thị trấn trung tâm huyện lỵ của huyện Krông Búk; xã Pơng Drang thành lập thị trấn thuộc huyện Krông Búk.
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar, dựa trên quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, thị trấn Ea Kar và khu vực phụ cận sẽ được phát triển lên thành thị xã.
Theo Đồ án quy hoạch chung điều chỉnh thị trấn Ea Kar đã được phê duyệt vào năm 2008 về việc đưa đô thị Ea Kar lên thành thị xã, huyện Ea Kar dự kiến sẽ được tách làm hai đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó một đơn vị là thị xã Ea Kar và một đơn vị khác sẽ là huyện mới, lấy thị trấn Ea Knốp làm huyện lỵ.
Tuy nhiên đến thời điểm này, các quy định của Nhà nước về đánh giá tiêu chí đô thị loại IV và công nhận đơn vị hành chính cấp thị xã đã có nhiều thay đổi nên việc thành lập thị xã trên quan điểm của Đồ án quy hoạch chung hiện có là không còn phù hợp, đặc biệt là tính không khả thi của việc tách huyện Ea Kar thành hai đơn vị hành chính cấp huyện mới do không đủ điều kiện tối thiểu về diện tích.
Thêm vào đó, tuy việc triển khai các quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các dự án về cơ bản tuân thủ đồ án quy hoạch chung hiện có, nhưng nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh trong quá trình triển khai. Trong đó, nhiều dự án mới gặp khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Do vậy, đa số dự án đã được huyện bố trí vị trí mới khác với định hướng của quy hoạch chung hiện có.
Nguồn lực hạn chế
Sở Xây dựng Đắk Lắk cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều đô thị chưa đáp ứng được các tiêu chí theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị do thiếu nguồn lực và thiếu sự liên kết giữa các đô thị trong tỉnh. Đơn cử như ở thị xã Buôn Hồ, do nguồn vốn hạn chế nên việc thực hiện quy hoạch và triển khai một số dự án phát triển đô thị trên địa bàn thị xã Buôn Hồ chưa thể thực hiện được. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình đô thị hóa của địa phương.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, ngoài vấn đề nguồn vốn không đáp ứng so với nhu cầu của địa phương, hiện nay việc xây dựng thị trấn Krông Kmar, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện còn gặp không ít khó khăn do hạn chế, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực vào phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội.
Có thể thấy, sự phát triển đô thị đặt ra cho các địa phương yêu cầu về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị theo tiêu chí loại đô thị. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội của một số địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu đã tác động đến tiêu chí phân loại và phát triển đô thị.
Vì vậy, nhiều đô thị được công nhận loại đô thị nhưng phần lớn chưa đáp ứng được một số tiêu chí, nhất là các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, chẳng hạn như các tiêu chí về cấp nước đô thị, giao thông thoát nước, cây xanh, xử lý chất thải rắn sinh hoạt… Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, cảnh quan, môi trường chưa được đảm bảo theo loại đô thị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn: Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực đầu tư phát triển đô thị chưa đáp ứng nhu cầu thì việc các địa phương chưa quan tâm xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề xuất danh mục đầu tư trọng tâm theo quy hoạch tạo động lực hình thành đô thị cũng là “vật cản” trong quá trình đô thị hóa”.