Vì sao nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu cấp thiết?

Ánh Dương

Trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu là việc làm tất yếu của các doanh nghiệp, là phương cách duy nhất đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong hội nhập.

Khi muốn thâm nhập vào thị trường, đặc biệt là thị trường các nước phát triển, đòi hỏi các sản phẩm phải có chứng nhận đã áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng phù hợp
Khi muốn thâm nhập vào thị trường, đặc biệt là thị trường các nước phát triển, đòi hỏi các sản phẩm phải có chứng nhận đã áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng phù hợp

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp.

Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cơ cấu kinh tế chậm đổi mới, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.

Cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn. Nền kinh tế còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào gia tăng quy mô vốn và lao động. Trong khi đó, đóng góp của các yếu tố gắn trực tiếp với cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với kỳ vọng.

Sự thiếu hụt các chính sách, các chiến lược dài hạn về chất lượng sản phẩm dẫn đến sự thiếu định hướng trong phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế nước ta.

Việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và đang tạo ra sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp trong cạnh tranh trên thị trường.

Điều đó buộc các doanh nghiệp Việt Nam muốn có chỗ đứng trên thị trường cần phải tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, lựa chọn mô hình quản lý chất lượng phù hợp... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.

Sự ra đời của hệ thống quản lý chất lượng mới vô hình chung đã trở thành hàng rào ngăn cản đối với các sản phẩm của Việt Nam. Khi muốn thâm nhập vào thị trường, đặc biệt là thị trường các nước phát triển, đòi hỏi các sản phẩm phải có chứng nhận đã áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng phù hợp.

Như vậy, trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu là việc làm tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là phương cách duy nhất đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,  thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Các địa phương đặt ra mục tiêu khá cụ thể như: phấn đấu hỗ trợ xây dựng và áp dụng ít nhất 50 hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến tại doanh nghiệp.

Nâng số lượng doanh nghiệp áp dụng các hệ thống, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng hàng năm từ 10 - 15%; nhân rộng mô hình điểm cho ít nhất 10 doanh nghiệp/năm áp dụng các hệ thống, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, được chứng nhận các tiêu chuẩn...