Giải bài toán nâng cao năng suất, chất lượng ngành Mía đường
Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành Mía đường, cần có chiến lược đầu tư đúng đắn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đường Việt bị cạnh tranh gay gắt ngay "sân nhà"
Ngành sản xuất đường của Việt Nam hiện đang còn gặp nhiều khó khăn. Năng suất mía đường thấp, người nông dân hầu như không có lãi. Giá bán sản phẩm thấp, có những thời điểm bán thấp hơn giá thành sản xuất. Lượng đường tồn kho nhiều, chất lượng sản phẩm thấp hơn các nước, tiêu thụ đường ngay trên thị trường nội địa gặp nhiều khó khăn.
Nhìn sang các nước có ngành sản xuất đường phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí ngay cả Lào, sản xuất mía đường so với sản xuất trong nước vẫn có nhiều điểm khác biệt.
Tại các nước trên, diện tích trồng mía được bố trí quy hoạch trồng tại các vùng đất tốt, chủ động được nước tưới, giá vật tư, phân bón thấp nên chi phí cho sản xuất thấp hơn so với trong nước, năng suất mía đạt 100 - 120 tấn/ha, cao gấp 2,5 lần Việt Nam.
Đối với công đoạn chế biến, Chính phủ các nước đã có chương trình phát triển ngành chế biến mía đường theo hướng đầu tư thiết bị mới, đồng bộ, công nghệ hiện đại nên hiệu suất chế biến cao, chất lượng đường đảm bảo.
Với lợi thế gần như tuyệt đối trong tất cả các khâu từ nguyên liệu, thiết bị, công nghệ sản xuất, mạng lưới kinh doanh… nên việc sản xuất đường các nước hiệu quả hơn sản xuất trong nước. Sản phẩm đường của Việt Nam bị cạnh tranh ngay trên "sân nhà" là tất yếu.
Doanh nghiệp không đổi mới sẽ bị đào thải
Hiện nay, Chính phủ đang áp hạn ngạch nhập khẩu đường, đồng thời có những chính sách hỗ trợ ngành sản xuất đường trong nước nên các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước đang có chỗ đứng.
Với việc hội nhập ngày càng sâu, rộng vào thị trường thế giới, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước là không tránh khỏi. Đến lúc đó, khó khăn cho doanh nghiệp trong nước sẽ tăng lên gấp bội. Xu thế chung các doanh nghiệp không đổi mới sẽ bị tụt hậu sau thậm chí sẽ bị đào thải.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành sản xuất đường trong nước, cần phải có chiến lược đầu tư đúng đắn nâng cao năng suất, chất lượng.
Thời gian tới, cần rà soát diện tích đất nông nghiệp hiện có, bố trí lại cây trồng phù hợp; với cây mía cần điều chỉnh quy hoạch theo hướng “hạ sơn cho cây mía”. Bố trí diện tích ít hiệu quả trong việc trồng lúa, trồng màu để bố trí trồng mía trên cơ sở so sánh giá trị lợi nhuận.
Năng suất mía chỉ cần đạt 80 - 90 tấn/ha, thu nhập của người dân cũng đã cao hơn so với trồng lúa hiện nay. Với diện tích đất đồi, đất bán sơn địa trồng mía không hiệu quả có thể chuyển đổi trồng cây khác phù hợp hơn.
Trong công đoạn chế biến, nhiều nhà máy chế biến đường trên cả nước hiện có đội ngũ cán bộ công nhân lành nghề, hằng năm có nhiều sáng kiến khoa học cải tiến dây chuyền sản xuất được đánh giá cao.
Vấn đề của các nhà máy là thiết bị cũ và không đồng bộ. Ví dụ điển hình như, Nhà máy đường Sông Lam được thành lập từ những thập kỳ 60 của thế kỷ trước.
Nhà máy đường Sông Con được lắp mới từ năm 2000 - 2001 nhưng thiết bị cũng không phải là tiên tiến, hiện đại và không đồng bộ. Mặc dù đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật của 2 nhà máy trên được đánh giá cao nhưng lực bất tòng tâm.
Trong khi đó, có những nhà máy như Nhà máy đường Tate&Lyle được xây dựng từ năm 1998 nhưng thiết bị đồng bộ, hiện đại vào loại nhất cả nước. Nhà máy này từ động hóa hầu như tất cả các công đoạn. Doanh nghiệp lại áp dụng các chương trình quản lý chất lượng ISO, HACCP nên đội ngũ cán bộ công nhân viên vận hành chuyên nghiệp, tính kỷ luật rất cao.
Để sản xuất hiệu quả, sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường, các chuyên gia chỉ rõ, doanh nghiệp mía đường cần có phương án đầu tư thay đổi thiết bị công nghệ. Với những công nghệ sản xuất cũ, không phù hợp sản xuất sản phẩm kém hoặc thiếu tính cạnh tranh cần mạnh dạn loại bỏ, đầu tư thay thế.
Để sản xuất sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả sản xuất, sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường thì yếu tố thiết bị, công nghệ cần được chú trọng.
Để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quan trọng. Chất lượng sản phẩm cần được quan tâm hơn nữa.
Bên cạnh đầu tư đổi mới công nghệ, doanh nghiệp mía đường có thể áp dụng các chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm như ISO, HACCP…