Vị thế doanh nghiệp - Vị thế quốc gia
Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đã đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập trung bình thấp trở thành một nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là nước nghèo, chưa thể bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, nhất là khi nhìn lại mình trong tương quan với các nước lân cận có cùng điều kiện.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn
Vấn đề cần xác định rõ là Việt Nam đang ở đâu so với khu vực và thế giới? Nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố năm 2001 cho thấy, đầu thế kỷ XIX (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của nước ta đến năm 2014 chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới (2.052USD/12.000USD), chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan (5.977USD) và hơn 1/5 thu nhập bình quân đầu người của Malaysia (11.307USD).
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng thời gian 40 năm sống trong hòa bình, 30 năm đổi mới của ta cũng tương đương với thời gian để các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... đưa đất nước mình trở thành các quốc gia có kinh tế phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đổi mới và phát triển đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết. Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Bởi,thứ nhất, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn còn lại của cơ hội dân số vàng (1970 - 2025).Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng; những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.Thứ ba,Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.
6 đột phá chiến lược
Báo cáo Việt Nam 2035: hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủlà những khuyến nghị có giá trị của các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài cho nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển KT - XH của Việt Nam trong triển vọng dài hạn 20 năm tới và những năm trước mắt. Trong đó nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển, với 6 chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Các chuyển đổi lớn, hay nói cách khác là 6 đột phá phải thực hiện bao gồm xây dựng thể chế hiện đại; hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hòa nhập xã hội; tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu và chuyển dịch không gian phát triển. 6 đột phá này là cơ sở cho việc hiện thực hóa khát vọng, đồng thời cũng chính là những mục tiêu cần đạt tới vào năm 2035, bao gồm ba trụ cột là thịnh vượng kinh tế đi đôi với bền vững môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Về trụ cột thứ nhất, với mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm bằng 7% (tương đương với mức tăng trưởng GDP 8%/năm) để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000USD, trước hết phải tăng năng suất lao động. Ở Việt Nam, ngay cả năng suất lao động trong khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp.
Thứ hai,tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) cả về số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. “Sức khỏe” của doanh nghiệp trong nước chính là “sức khỏe” của nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.
Thứ ba,phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước cần tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo, cung cấp kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp... nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.
Thứ tư,cần tăng cường cải cách và tích cực đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài, bền vững. Cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức nghiên cứu khoa học hiện nay đều chưa có động lực để theo đuổi một chương trình tăng năng suất. Do vậy xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.
Về công bằng và hòa nhập xã hội,bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, cần xây dựng những chính sách bảo đảm sự công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người, nhất là đối với những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội như dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo... Ngoài ra, cần triển khai chương trình cải cách hướng tới sự hình thành của tầng lớp trung lưu cũng như quá trình già hóa dân số. Các chương trình này đặt trọng tâm vào việc cải cách thể chế, mang lại cơ hội phát triển cho mọi người như mục tiêu được Liên Hợp Quốc đưa ra “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Về nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước,xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và bảo đảm chế độ chức nghiệp thực tài; áp dụng nguyên tắc thị trường đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản, thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hóa sự tham gia của Nhà nước trong nền kinh tế; nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình. Ngoài ra, cần bảo đảm thu hẹp khoảng cách giữa chính sách trên giấy với thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị nhà nước.
Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ vào năm 2035, lựa chọn duy nhất là thực hiện cải cách dựa trên các vấn đề nêu trên. Nếu không chúng ta khó có thể khai thác được cơ hội, vượt qua thách thức, có nguy cơ tụt hậu xa hơn, và khó tránh khỏi rơi vào bẫy thu nhập trung bình.