Việt Nam cần cả hai khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh và đồng đều

BD

Ngày 13/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo công bố Chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Tại cuộc họp báo, trước các ý kiến cho rằng chính sách đang “ưu ái” hơn cho các doanh nghiệp FDI, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ coi doanh nghiệp FDI là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, bộ phận nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực nên cần phải khai thác mặt tích cực và khắc phục mặt hạn chế.

“Vừa rồi tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp FDI đóng góp cho nền kinh tế 20% GDP nhưng thuế nộp cho ngân sách chỉ chiếm 14%. Vì thế, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp FDI, rà soát lại các chính sách ưu đãi, tăng cường rà soát các hạn chế, nhược điểm của doanh nghiệp FDI về lợi nhuận, nộp ngân sách, tình trạng chuyển giá, quy mô tăng thêm nhưng lợi nhuận khai báo thấp…” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Phó Thủ tướng phủ nhận quan điểm “xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 30%” bởi các doanh nghiệp nội địa đóng góp vào tỉ lệ nội địa hoá của chính các doanh nghiệp FDI một lượng không nhỏ. Ví dụ như NIKE có tỉ lệ nội địa hoá lên tới 95%, con số này của Samsung là 54%.

“Tỉ lệ nội địa hoá đang ngày càng tăng lên, chúng ta phải nhìn nhận thực tế này và cũng nhìn nhận đúng về các doanh nghiệp FDI. Sau khi tổng kết 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam, Bộ Chính trị và Chính phủ đang xem xét ban hành chiến lược mới về FDI”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thông tin thêm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Việt Nam cần cả hai khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và DN FDI cùng phát triển mạnh và đồng đều, muốn làm được như vậy chúng ta phải thu hút DN FDI theo hướng chọn lọc hơn.

Các tiêu chí chọn lọc lần lượt gồm: doanh nghiệp FDI đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam; doanh nghiệp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường (hiện công nghệ mới ở mức trung bình, khá); doanh nghiệp phải có chuỗi giá trị toàn cầu và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để liên kết trong và ngoài nước.