Việt Nam có là lựa chọn mới của nhà nhập khẩu hàng dệt may Mỹ?
Việt Nam có thể là lựa chọn trở thành nguồn cung hàng dệt may cho nhà nhập khẩu Mỹ, nhưng để trở thành mắt xích quan trọng cần phải lưu ý nhiều yếu tố.
Đa dạng hóa nguồn cung ứng
Theo phân tích từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong khi tốc độ tăng chi phí tìm nguồn cung ứng đã chậm lại thì chi phí và áp lực tài chính mà các công ty thời trang Mỹ phải đối mặt vẫn hiện hữu. Cụ thể, tính đến tháng 12/2023, chỉ số giá nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ hầu như không thay đổi so với tháng 1/2023.
Tuy nhiên, có hai xu hướng mới nổi rất đáng theo dõi. Một là chỉ số giá bán lẻ hàng may mặc của Mỹ giảm đáng kể từ tháng 8/2023, đồng nghĩa với việc các công ty thời trang Mỹ có thể phải hy sinh lợi nhuận để thu hút người tiêu dùng đến cửa hàng.
Xu hướng thứ hai là chi phí vận chuyển tăng cao do cuộc khủng hoảng vận tải Biển Đỏ gần đây. Đáng lo ngại hơn, không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng Biển Đỏ sẽ sớm được giải quyết. Do đó, năm 2024 có thể đặt ra thêm một năm thách thức tài chính cho nhiều công ty thời trang Mỹ cũng như các nhà cung cấp hàng cho Mỹ.
Việc đa dạng hóa vẫn là xu hướng then chốt trong chiến lược tìm nguồn cung ứng của các công ty thời trang Mỹ vào năm 2023 và sẽ tiếp tục trong năm 2024 vì nhiều công ty coi chiến lược này là hiệu quả nhất để giảm thiểu những bất ổn khác nhau của thị trường.
Các công ty thời trang Mỹ tiếp tục xu hướng giảm đặt hàng với Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng việc Trung Quốc không còn là nguồn nhập khẩu hàng may mặc lớn nhất của nhiều công ty thời trang Mỹ ngày càng trở nên phổ biến.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng dẫn chứng kết quả nghiên cứu, thay vì xác định các nhà cung cấp giống Trung Quốc, những công ty thời trang Mỹ dường như tận dụng đa dạng hóa nguồn hàng hơn - ví dụ, sử dụng nguồn hàng Việt Nam làm cơ sở tìm nguồn cung ứng áo khoác ngoài, đồ lót và đồ bơi; Ấn Độ về váy và Bangladesh về các mặt hàng dệt kim cơ bản với số lượng lớn.
Liên quan đến vấn đề này, một nghiên cứu khác gần đây cho thấy 5 nhà cung cấp hàng đầu châu Á bên cạnh Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ và Campuchia, có thể cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng gần tương đương với các sản phẩm từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ.
Chỉ dấu cho doanh nghiệp Việt Nam?
Năm 2024, diễn biến thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến số, để có thể ứng phó cũng như thích nghi với những biến động khó lường sắp tới, đồng thời đón được luồng chuyển dịch đơn hàng của nhà nhập khẩu Mỹ, theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa trong sản phẩm xuất khẩu.
Việc đa dạng hóa mặt hàng trong dệt may sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh, chiếm được thị phần trong bối cảnh kinh tế bất định. Ngoài ra, việc đa dạng hóa mặt hàng sẽ là đòn bẩy để có thể khai phá nhiều thị trường tiềm năng mới.
Tích cực tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới không chỉ giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường mà còn gia tăng năng lực cạnh tranh, giảm thiểu sự lệ thuộc vào những thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, chủ động trong mọi tình huống khi doanh nghiệp gặp khó.
Bám sát diễn biến thị trường đã, đang và sẽ luôn là yếu tố tiên quyết trong phát triển thương mại giữa các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu. Doanh nghiệp cần theo dõi sát sao giá nguyên liệu đầu vào, như: Giá bông, xơ sợi, nguyên phụ liệu để chọn thời điểm hợp lý giúp tối ưu hóa chi phí.
Bên cạnh đó, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do và việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao, nhất là đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn như: Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Để làm được điều này, doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên chú trọng vào việc bám sát yêu cầu của hải quan các nước nhập khẩu, nhà mua hàng, tích cực minh bạch hóa các khâu trong dây chuyền sản xuất, cân nhắc chuyển đổi xanh, sản xuất theo nhu cầu thực tế của thị trường, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để có thể nâng cao thị phần của Việt Nam và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khẳng định dòng đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc ngày một rõ ràng, tuy nhiên ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cũng nhấn mạnh, Việt Nam chỉ là một trong nhiều điểm đến của các nhà nhập khẩu. “Nơi nào điều kiện tốt, phù hợp sẽ thu hút được đối tác”, ông Phạm Quang Anh nói.
Giám đốc Dony cũng cho rằng, bên cạnh chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, dịch vụ hậu mãi tốt cũng là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cố gắng đáp ứng yêu cầu của khách hàng 1-2 năm sẽ giữ được chân nhà nhập khẩu lâu dài.