Việt Nam có tiềm năng trở thành “con hổ mới của châu Á”
Về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, Ðại sứ Sayakane Sisouvong - Chủ tịch Câu lạc bộ nhà ngoại giao Lào, cựu Phó Tổng Thư ký ASEAN cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP đáng kinh ngạc trong thời gian qua. Việt Nam có tiềm năng trở thành con hổ mới của châu Á trong tương lai gần.
Bình luận về việc Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 2023. Theo đó, Ðại sứ Sayakane Sisouvong cho rằng, đó là kết quả hết sức ấn tượng mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đạt được, nhờ các yếu tố thuận lợi từ cả bên trong và bên ngoài. Ðại sứ Sayakane Sisouvong cũng đánh giá cao chiến lược thích ứng và phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Việt Nam.
Về các yếu tố bên trong, Ðại sứ Sayakane Sisouvong nhấn mạnh, Việt Nam duy trì được sự ổn định về chính trị-xã hội dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðảng Cộng sản Việt Nam cũng xác định chiến lược đối ngoại phù hợp tình hình thực tế khách quan, thực hiện quan hệ hợp tác hữu nghị đa phương và cân bằng giữa các quốc gia.
Dẫn chứng việc Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và ban hành luật hỗ trợ đầu tư, góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia hấp dẫn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Ðại sứ Sayakane Sisouvong cho rằng, điều này thể hiện chiến lược kinh tế - thương mại của Việt Nam là phát triển nền kinh tế sản xuất và đẩy mạnh thương mại theo hướng toàn cầu.
Về lực lượng lao động, Ðại sứ Sayakane Sisouvong nêu rõ, Việt Nam hiện có lợi thế khi có phần lớn trong tổng số dân gần 100 triệu người là thanh niên đang trong độ tuổi lao động có trình độ học vấn tốt, có tiềm năng trở thành lao động chất lượng với giá phù hợp.
Ðại sứ Sayakane Sisouvong cũng nhận định môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, như chi phí lao động thấp, chính sách thuế hấp dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, sẽ trở thành lực lượng thúc đẩy phát triển thị trường tiêu dùng. Ngoài việc có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, Việt Nam còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển nền kinh tế số và kết nối với khu vực về nhiều mặt.
Khẳng định đó là những yếu tố đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và mạnh, Ðại sứ Sayakane Sisouvong khuyến nghị Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện có cũng như xây dựng những cơ sở hạ tầng mới. “Ðó chính là những động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh”, Ðại sứ Sayakane Sisouvong nhấn mạnh.
Ngoài những yếu tố thuận lợi bên trong, Ðại sứ Sayakane Sisouvong cũng cho rằng, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi từ bên ngoài.
Một là, các nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh chính sách mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài của Việt Nam. Họ nhìn thấy được cơ hội kinh doanh và do đó rót vốn vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Hai là, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động tiêu cực đối với hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến không ít nhà đầu tư chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia có điều kiện thuận lợi như Việt Nam.
Ba là, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt và đã được công nhận bởi thị trường thế giới cũng như người tiêu dùng, do đó nhu cầu ngày càng lớn.
Nhận định về triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, Ðại sứ Sayakane Sisouvong cho rằng, với sự cải thiện về quản trị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới, tiếp tục mở rộng hội nhập với bên ngoài một cách mạnh mẽ, Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công mới trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển thịnh vượng và có vai trò ngày càng cao không chỉ trong khu vực mà trên trường quốc tế.