Việt Nam đã thoát khỏi vùng suy thoái kinh tế!
(Taichinh) - “Hiện đang có tư duy đột phá để phát triển kinh tế đó là huy động vốn từ tư nhân, nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và FDI. Sức cạnh tranh của nền kinh tế bước đầu phục hồi”.
Ông Mai Xuân Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết như vậy khi thảo luận tại tổ về bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015 trong chiều 25/5.
Theo ông Hùng, báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã thể hiện đúng bản chất của nền kinh tế. “Chúng ta đã thoát khỏi vùng suy thoái. Các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2015 có thể đạt được, GDP có thể đạt từ 6,2 - 6,5%” - ông Hùng khẳng định.
Ông Hùng cho rằng, kinh tế Việt Nam năm vừa qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, thực hiện quyết liệt tái cấu trúc nền kinh tế, có hiệu lực và có kết quả mặc đù còn chậm (chậm vì do yếu tố nguồn lực), việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc trong năm 2015 là rất quan trọng. Nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc 60% vào ngân hàng, trong khi đó ở thời điểm này các ngân hàng đang trong đoạn tái cấu trúc.
Về cổ phần hóa doanh nghiệp, tuy có đạt được một số vấn đề nhưng chưa cao. Nợ doanh nghiệp Nhà nước của chúng ta còn cao, vẫn còn những khoản nợ khó trả như nợ của Vinashin, vinaline…Đây là nút thắt lớn của nền kinh tế.
“Hiện đang có tư duy đột phá để phát triển kinh tế đó là huy động vốn từ tư nhân. Thể chế kinh tế thị trường theo hướng minh bạch và rõ nét. Các yếu tố mới về hội nhập đang được thâm nhập vào doanh nghiệp và người dân, nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và FDI. Sức cạnh tranh của nền kinh tế bước đầu phục hồi” - ông Hùng nhấn mạnh.
Dẫu vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về chiến lược công nghiệp hóa đến năm 2020 khó có thể thực hiện, trong đó có hệ lụy: “Trong đó công nghiệp phụ trợ chúng ta chưa bắt tay đầu tư nước ngoài. Trong công nghiệp, năng suất lao động thấp. Ngành nông nghiệp thì“được mùa mất giá, được giá mất mùa”nhưng vẫn là “bà đỡ” của nền kinh tế, vì thế nên định hướng đầu tư cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chế biến”.
Giải pháp đưa ra là cần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô để doanh nghiệp không bị động, tiếp tục cải cách thể chế để doanh nghiệp có sân chơi bình đẳng. Xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn tiếp cận được nguồn vốn. Hoàn thiện chính sách ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp FDI, hỗ trợ hình thành khu vực công nghiệp sẵn có, bảo đảm có sự liên kết với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần có chính sách tài chính chính để tạo cơ chế tài chính dài hạn. Tập trung giải giải pháp nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế ngành hàng. Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, nâng cao tay nghề cho lao động, tăng cường liên kết kinh doanh…
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Đặng Thế Vinh - đoàn Hậu Giang - cho rằng, cần phân tích thêm điều hành chỉ số giá tiêu dùng. Về sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất năm 2014 và đầu năm 2015, hiện tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tăng trữ lương thực đã phát huy tác dụng. Năm 2015, bên cạnh những giải pháp của Chính phủ thì tới đây việc tái cơ cấu nông nghiệp cần có đánh giá tập trung hơn để giải quyết vướng mắc như hiện nay. Tái cơ cấu nông nghiệp quan trọng là quy hoạch, kế hoạch sản xuất.
“Ở một địa phương nếu chỉ có quy hoạch của địa phương thì không thể phát huy thế mạnh của địa phương. Hiện nay đang có tình trạng mỗi địa phương có quy hoạch riêng nên sẽ dẫn đến cung vượt cầu, vì vậy quy hoạch cây trồng, vật nuôi phải rất quan trọng thì mới giải quyết được hạn chế của nông nghiệp như thời gian vừa qua” - đại biểu Vinh cho biết.
Vị đại biểu đoàn Vĩnh Long cũng nêu quan điểm về việc cần có công tác dự báo thị trường để người sản xuất không rơi vào tình trạng cung vượt cầu, trong khi đó Nhà nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại.