Việt Nam hướng tới “cuộc cách mạng” chống ô nhiễm nhựa

Hoàng Minh

Việt Nam sẽ nỗ lực hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, kiểm soát các hóa chất đáng quan ngại, hoặc thiết lập các cơ chế thuế và phí hiệu quả…

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường

Từ ngày 24/11 đến ngày 1/12 tới đây, Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, phiên thứ 5 (INC-5), sẽ diễn ra tại Busan (Hàn Quốc), hướng đến mục tiêu tham vấn và xây dựng phương án đàm phán, kịch bản của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam sẽ tham gia vào cuộc đàm phán và cần phải khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất, bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật (nếu có); khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc chống ô nhiễm nhựa.

Việc đạt được một thoả thuận toàn cầu tại INC-5 được coi là kết quả rất tham vọng. Hiện nay, thế giới còn rất nhiều việc phải làm nhằm thu hẹp khác biệt, thậm chí là sự trái ngược trong quan điểm đàm phán của nhiều quốc gia, nhóm quốc gia, chẳng hạn như: sản xuất, cung ứng, các sản phẩm nhựa và hóa chất đáng quan ngại; cơ chế tài chính…

Để việc đàm phán đạt hiệu quả, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đề nghị các quốc gia thống nhất danh sách các sản phẩm nhựa và hóa chất độc hại cần bị cấm, tập trung vào những sản phẩm gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường. Thỏa thuận cần thiết lập các tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm mang tính bền vững, giúp bảo đảm tính tái sử dụng và tái chế. Điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới trong sản xuất.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng Việt Nam cần tham gia Thỏa thuận toàn cầu phù hợp với các ưu tiên quốc gia, bao gồm cam kết hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh và kiểm soát hóa chất độc hại, cũng như thiết lập các cơ chế thuế và phí hợp lý. Các biện pháp cấm nhựa dùng một lần và hạn chế sản xuất nhựa có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế, xã hội và môi trường. Vì vậy, Việt Nam cần bảo đảm sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp nhựa, một lĩnh vực trị giá 25 tỷ USD, để thích ứng với Thỏa thuận này.

Việt Nam cần đàm phán để thỏa thuận bảo đảm hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như lực lượng lao động phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều đáng chú ý nhất là thách thức về điều chỉnh chính sách nội địa. Để tuân thủ cam kết quốc tế, Việt Nam cần chuẩn bị cho việc sửa đổi các quy định pháp luật trong các lĩnh vực như thiết kế sản phẩm, kiểm soát hóa chất, quản lý chất thải và chính sách thuế và phí.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới thải ra hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 79% nằm ở các bãi rác hoặc ngoài môi trường tự nhiên; 12% bị đốt và chỉ có 9% được tái chế. Mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa và 5.000 tỷ túi ni-lông được tiêu thụ. Thực trạng đáng lo ngại này gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng nghiêm trọng, đe dọa môi trường sống của chính con người.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó, có 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Để giải quyết những thách thức này, đồng thời hướng tới thực thi Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa sau khi đàm phán thành công, việc hoàn thiện cơ chế chính sách và quy định pháp luật về quản lý rác thải nhựa sẽ rất cần thiết. Việt Nam đang rất cần các biện pháp quản lý bền vững, bao gồm việc phân loại rác tại nguồn, phát triển cơ chế tài chính hỗ trợ quản lý rác thải và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất nhựa dùng một lần. Chỉ khi có các quy định pháp luật mạnh mẽ và đồng bộ, công tác quản lý rác thải nhựa mới có thể phát huy hiệu quả, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.