Vietcombank: Chuyển biến tích cực sau 5 năm cổ phần hóa
(Tài chính) Sau khi thực hiện thành công việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Vietcombank đã hoàn tất các thủ tục và chính thức chuyển đổi hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước sở hữu chi phối từ ngày 02/06/2008. 5 năm sau cổ phần hóa, Vietcombank tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng là nơi gửi trọn niềm tin…

Những chuyển biến tích cực
Hoạt động của Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong 5 năm đầu sau cổ phần hoá (2008-2013) diễn ra trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có những biến động khôn lường với nhiều tác động bất lợi cho hoạt động của các NHTM nói chung và Vietcombank nói riêng.
Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ vào khoảng giữa năm 2008, sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia và khu vực với những diễn biến phức tạp. Trong suốt những năm tiếp theo, kinh tế thế giới vẫn rơi vào tình trạng trì trệ, quá trình phục hồi diễn ra khá chậm chạp. Đặc biệt đối với các trung tâm kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ công khiến cho việc ổn định nền kinh tế gặp nhiều trở ngại hơn.
Kinh tế trong nước cũng không nằm ngoài đà suy giảm chung của kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đều thấp hơn 7%, năm 2012 chỉ đạt 5,03%, lạm phát diễn biến phức tạp, có những năm lên tới ~ 20%. Theo thống kê có khoảng 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể mỗi năm trong giai đoạn 2011 – 2012. Tăng trưởng kinh tế chậm, sản xuất kinh doanh đình trệ, thị trường chứng khoán & thị trường bất động sản sa sút… liên tục đặt ra những thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam.
Những hệ lụy từ khó khăn chung của nền kinh tế khiến hoạt động ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều thách thức mà nổi bật là tình trạng gia tăng nợ xấu và suy giảm hiệu quả hoạt động.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động phức tạp, Viecombank đã tích cực phát huy thế mạnh sẵn có, linh hoạt, nhạy bén, đổi mới, chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh, vượt qua thách thức. Do đó, vẫn tiếp tục duy trì được đà phát triển trong suốt 5 năm qua, an toàn và hiệu quả hoạt động được đảm bảo. Có thể tóm lược một số nét chính trong hoạt động của Vietcombank 5 năm qua như sau:
Thứ nhất, tăng trưởng ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả:
- Tổng tài sản của Vietcombank tại thời điểm 31/12/2012 đạt gần 415 nghìn tỷ, tăng 192 nghìn tỷ so với thời điểm 31/12/2008, đạt mức tăng bình quân ~17%/năm. Trong 5 năm qua, mặc dù cạnh tranh trong thị trường huy động vốn ngày càng gay gắt, Vietcombank vẫn duy trì được mức tăng trưởng huy động vốn bình quân trên 17%/năm, trong đó năm 2010 và 2012 tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%.
- Tăng trưởng huy động vốn tạo điều kiện cho Vietcombank đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 2008-2012 đạt ~ 21%/năm, đưa tổng dư nợ cho vay tăng từ gần 113 nghìn tỷ tại thời điểm cuối năm 2008 lên 241 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2012.
- Tổng thu nhập trước dự phòng rủi ro tín dụng tăng từ 6,3 nghìn tỷ đồng năm 2008 lên 9 nghìn tỷ trong năm 2012, tăng bình quân trên 9%/năm. Lợi nhuận trước thuế tăng từ 3,6 nghìn tỷ đồng lên gần 5,8 nghìn tỷ, tương đương với tốc độ tăng bình quân ~13%/năm.
- Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về lãi suất và thị phần trên cả hai thị trường huy động và tín dụng khiến thu nhập từ lãi của các ngân hàng bị ảnh hưởng đáng kể, Vietcombank đã duy trì được mức chênh lệch lãi suất giữa tài sản – nguồn vốn ~ 3% qua các năm.
- Các chỉ tiêu hiệu quả sinh lời của tài sản và vốn chủ sở hữu của Vietcombank được duy trì ở mức tương đối cao so với trung bình của ngành ngân hàng.
Thứ hai, chiến lược phát triển cho giai đoạn 2011-2020 được rà soát, điều chỉnh; mô hình và bộ máy tổ chức được củng cố, hoàn thiện:
- Vietcombank đã thực hiện rà soát và hoàn tất việc điều chỉnh chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và thực tế hoạt động của Vietcombank. Trong giai đoạn vừa qua, trước những biến động lớn của thị trường, Vietcombank cũng đã kịp thời cân chỉnh định hướng chiến lược, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong hoạt động.
- Mô hình tổ chức tại Hội sở chính từng bước được chuẩn hóa theo khối. Trong những năm qua, Vietcombank đã thực hiện cơ cấu lại khối vốn, khối tín dụng, khối quản lý rủi ro thông qua thành lập mới và bổ sung chức năng nhiệm vụ một số phòng ban; xây dựng khối tài chính, khối bán lẻ; thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm thẻ trên cơ sở nâng cấp Trung tâm tin học và phòng Quản lý thẻ.
Thứ ba, mạng lưới hoạt động không ngừng được mở rộng, hệ thống các công cụ quản lý từng bước được hoàn thiện:
- Công tác phát triển mở rộng mạng lưới được triển khai liên tục và có định hướng, nâng tổng số chi nhánh từ 61 (năm 2008) lên 79 chi nhánh (năm 2012); trong 5 năm qua, 181 phòng giao dịch đã được thành lập mới trên địa bàn cả nước. Trong năm 2010, Vietcombank cũng đã hoàn tất thủ tục đưa Công ty chuyển tiền Vietcombank tại Mỹ vào hoạt động chính thức.
- Hệ thống Quy chế nội bộ của Vietcombank từng bước được hoàn thiện, bổ sung. Bên cạnh các Quy chế có tính chất “khung” như Điều lệ, Quy chế Quản trị nội bộ, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT… nhiều quy chế, chính sách quan trọng khác đã được ban hành, trong đó đặc biệt phải kể đến: Chính sách quản lý rủi ro, Quy chế chi trả tiền lương và Quy chế phân phối quỹ lương kinh doanh, Quy chế tài chính, Quy chế quản lý cán bộ, Quy định quản lý hệ thống mạng lưới, Quy chế chuyển giá vốn nội bộ,…
Thứ tư, công tác quản trị rủi ro đặc biệt được chú trọng:
- Chính sách quản trị rủi ro được hệ thống hóa và thực hiện đồng bộ trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, Vietcombank đang tiếp tục triển khai các dự án xây dựng mô hình đo lường và quản trị các loại rủi ro trọng yếu trong hoạt động ngân hàng gồm rủi ro tín dụng, rủi ro tác nghiệp, rủi ro thị trường với sự tham gia của chuyên gia tư vấn quốc tế uy tín, tạo điều kiện đưa hệ thống quản trị rủi ro của Vietcombank tiếp cận gần hơn những thông lệ tiên tiến của thế giới.
- Công tác phân loại nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng được đặc biệt chú trọng. Từ quý II/2010, Vietcombank đã đưa vào áp dụng hệ thống phân loại nợ định tính (được xây dựng trên cơ sở tư vấn của E&Y và được NHNN phê duyệt). Do đó, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank luôn phản ảnh trung thực, minh bạch chất lượng tín dụng của ngân hàng. Trong thời gian qua, Vietcombank cũng luôn chú trọng thu hồi nợ, tích cực xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã giảm từ 4,6% tại thời điểm 31/12/2008 xuống còn 2,40% tại thời điểm 31/12/2012 và luôn dưới mức 3% trong các năm từ 2009 đến 2012.
Thứ năm, triển khai thành công nhiều đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ:
- Trong giai đoạn 2008 - 2012, Vietcombank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ theo các phương án được ĐHĐCĐ thông qua, cụ thể: phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ thêm 9,28% (2010) và 33% (2011) với giá phát hành bằng mệnh giá; trả cổ tức 2010 bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 12% (2011) và thực hiện thành công việc phát hành riêng lẻ 15% vốn cổ phần (sau phát hành) cho cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank (năm 2011).
- Tại thời điểm 31/12/2012, vốn điều lệ của VCB đạt 23.174 tỷ đồng, tăng 91,5% so với thời điểm 31/12/2008; quy mô vốn chủ sở hữu đạt 41.553 tỷ đồng với mức tăng gần 198% so với 2008.
- Việc ký kết thành công thỏa thuận hợp tác chiến lược với Mizuho Corporate Bank Ltd vào ngày 30/09/2011 đã đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Vietcombank, tạo tiền đề cho những đột phá trong tương lai; đồng thời ghi nhận thành công của Vietcombank trong việc tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư nước ngoài thông qua kết quả kinh doanh đạt được cũng như sự minh bạch trong thông tin. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào suy thoái trong suốt 5 năm qua.
Thứ sáu, minh bạch hoá thông tin, tăng cường quan hệ cổ đông, nhà đầu tư:
- Trong những năm qua, Vietcombank đã thực hiện tốt công tác công bố thông tin, tuân thủ các quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao tính minh bạch. Bên cạnh đó, Vietcombank đã duy trì các cuộc tiếp xúc với chất lượng thông tin tốt với hàng trăm lượt nhà đầu tư mỗi năm; công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) của Vietcombank được rất nhiều nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao.
- Vietcombank đã duy trì chính sách chi trả cổ tức hàng năm ổn định ở mức 12%, trong đó có 4 năm chi trả bằng tiền mặt và 1 năm chi trả bằng cổ phiếu (2010).
- Năm 2009, Vietcombank đã thực hiện thành công việc niêm yết cổ phiếu lần đầu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Số cổ phiếu phát hành thêm hàng năm cũng được đăng ký niêm yết bổ sung kịp thời. Gần đây nhất, Vietcombank đã hoàn tất thủ tục niêm yết số cổ phiếu thuộc sở hữu của cổ đông Nhà nước (chính thức niêm yết từ ngày 14/05/2012), đưa cổ phiếu Vietcombank vào danh sách những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Hiện nay, cổ phiếu VCB là cổ phiếu thuộc VN30 và là một trong các cổ phiếu có quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường (~ 3 tỷ USD). Từ khi niêm yết tới nay, cổ phiếu VCB luôn được giao dịch ở mức giá cao nhất trong số các cổ phiếu ngân hàng niêm yết và luôn được nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng hàng năm
Thứ bảy, củng cố quan hệ khách hàng, chuẩn hoá thương hiệu, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đẩy mạnh các hoạt động vì cộng đồng và mở rộng quan hệ đối ngoại:
- Công tác khách hàng được Vietcombank đặc biệt chú trọng, chất lượng dịch vụ đã và đang từng bước được cải thiện rõ nét. Niềm tin và uy tín của Vietcombank trong đông đảo khách hàng ngày càng được củng cố và phát huy.
- Dự án chuẩn hoá thương hiệu Vietcombank sau gần hai năm triển khai đã được hoàn tất với sự tư vấn của Allen International (Anh Quốc). Ngày 31/03/2013, Vietcombank đã chính thức giới thiệu hệ thống nhận diện thương hiệu mới, thể hiện cam kết và quyết tâm xây dựng một thương hiệu uy tín, thân thiện và bền vững.
- Dự án đầu tư đổi mới hệ thống Core banking được phê duyệt năm 2011 đang được triển khai đúng tiến độ. Có thể nói đây là dự án đầu tư vào công nghệ quan trọng nhất của Vietcombank trong những năm qua. Ngân hàng đã dành khối lượng lớn nhân lực, vật lực cho dự án, hướng tới việc hiện đại hoá và nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ cũng như năng lực quản trị nội bộ thông qua hệ thống ngân hàng lõi mới.
- Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Vietcombank luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể thông qua việc tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ các địa phương khó khăn, ủng hộ đồng bào nghèo, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, … với tổng kinh phí cam kết lên tới hàng trăm tỷ mỗi năm. Các hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của Vietcombank trong cộng đồng.
- Trong nỗ lực nâng cao vị thế trên trường quốc tế, Vietcombank đã chủ động và tích cực tham gia hoạt động của các Hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp trong khu vực và quốc tế (diễn đàn thường niên của WB-IMF, Diễn đàn kinh tế thế giới, Hiệp hội ngân hàng Châu Á/Đông Nam Á…); tiếp xúc gặp gỡ với nhiều tập đoàn tài chính toàn cầu… qua đó, tạo thêm cơ hội hợp tác bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Định hướng cho tương lai
Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi sau suy thoái, một số nền kinh tế lớn đang dần tăng trưởng trở lại. Kinh tế trong nước cũng đang có những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung, diễn biến kinh tế trong nước và thế giới vẫn được dự báo là còn nhiều biến động khó lường đoán với không ít khó khăn, thách thức.
Trên cơ sở kết quả hoạt động trong 5 năm qua, Ban lãnh đạo Vietcombank đã xác định định hướng chủ đạo cho giai đoạn 2013 – 2018 là tiếp tục bám sát chiến lược 2011 - 2020 đã được phê duyệt, phát huy mọi lợi thế, tranh thủ mọi cơ hội, linh hoạt, nhạy bén và quyết liệt trên mọi phương diện nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng các mặt hoạt động của ngân hàng, đảm bảo an toàn hiệu quả và phát triển bền vững. Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản dự kiến sẽ ở mức 9-12%/năm, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn khoảng 12-16%, tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%, ROE khoảng 12-15% và hệ số an toàn vốn CAR khoảng 10-12%. Tóm lược một số định hướng lớn như sau:
Về mô hình phát triển, tổ chức bộ máy, mạng lưới:
- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức hướng đến mô hình tập đoàn ngân hàng tài chính đa năng hiện đại, đi đôi với tăng cường năng lực quản trị điều hành và năng lực kinh doanh.
- Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa mô hình Chi nhánh, hoàn thiện và phân định rõ chức năng nhiệm vụ của các phòng tại Hội sở chính. Phát triển mạng lưới giao dịch theo theo chiều rộng và theo chiều sâu, từng bước mở rộng mạng lưới hoạt động ra thị trường quốc tế.
Về vốn, tín dụng, đầu tư:
- Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tích cực xử lý các khoản nợ tồn đọng, kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu. Linh hoạt trong công tác huy động vốn đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu.
- Đẩy mạnh việc đa dạng hóa kênh huy động vốn cũng như cấp tín dụng trong nước, mở rộng mạng lưới khách hàng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân bên cạnh việc giữ chân các khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó Vietcombank cũng sẵn sàng và chủ động tiếp cận thị trường vốn quốc tế khi điều kiện thuận lợi.
- Rà soát danh mục đầu tư góp vốn, tái cơ cấu phù hợp, chú trọng đến yếu tố hiệu quả trong đầu tư. Có kế hoạch và lộ trình phù hợp cho việc tái cơ cấu các công ty con.
Về các lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác:
- Đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, nâng dần tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ trong cơ cấu thu nhập chung. Củng cố thị phần trong các dịch vụ ngân hàng truyền thống như dịch vụ thanh toán, dịch vụ thẻ.
- Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, kết hợp giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong nội bộ với việc tiếp thu công nghệ và các phương thức cung cấp dịch vụ tiên tiến.
Về quản trị rủi ro:
- Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản trị rủi ro thông qua tăng cường hiệu quả hoạt động của tất cả các cấp trong bộ máy cũng như hiệu quả phối hợp giữa các bộ phận. Từng bước nâng cao vai trò của bộ máy kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
- Nâng cao năng lực quản trị rủi ro thông qua việc thực hiện tổng thể các giải pháp, trong đó chú trọng đến việc hoàn tất các mô hình đo lường, quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống chính sách và công cụ quản trị rủi ro thống nhất, tiên tiến.
- Tăng cường nhận thức và nâng cao văn hóa quản trị rủi ro. Đảm bảo các hệ số an toàn theo quy định của NHNN và từng bước tiếp cận thông lệ quốc tế.
Về quản trị nguồn nhân lực:
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xem đây là khâu then chốt để đổi mới, tạo sự đột phá. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại cán bộ; đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; đảm bảo công khai, minh bạch và bố trí đúng người, đúng việc. Tăng cường luân chuyển đối với các vị trí quản lý các cấp.
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách lương, thưởng trên cơ sở phù hợp với năng lực và đóng góp của người lao động, tạo động lực cho cán bộ Vietcombank tiếp tục nỗ lực chung sức vì sự phát triển của ngân hàng.
Một số nội dung khác:
- Tiếp tục chuẩn hóa hệ thống nhận diện thương hiệu trên toàn quốc; tăng cường công tác quảng bá nhằm gia tăng nhận biết của khách hàng đối với thương hiệu mới, tạo sự khác biệt trên thị trường trong và ngoài nước.
- Nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ phức tạp trong hoạt động của Vietcombank. Bên cạnh đó Vietcombank sẽ không ngừng phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin và các công cụ quản lý nhằm hỗ trợ tối đa cho việc nâng cao năng lực quản trị, điều hành, từng bước hướng tới các chuẩn mực quốc tế.
Năm năm sau cổ phần hóa đã viết tiếp những trang sử đáng tự hào trong lịch sử hơn năm mươi năm hình thành và phát triển của Vietcombank. Khát vọng tạo nên động lực. Niềm tin tiếp thêm sức mạnh. Thành tựu chính là hành trang. Vietcombank đang không ngừng chuyển mình và phát triển; để xứng đáng với niềm tin của khách hàng, của cổ đông; để vươn tầm lớn mạnh cùng đất nước, tất cả vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả.