Vietjet Air và Vietnam Airlines “chạy đua” mở rộng đội tàu bay
Hai hãng hàng không Vietjet Air và Vietnam Airlines tiêu tốn hàng trăm triệu USD để đầu tư mở rộng đội tàu bay trong thời gian tới.

Thông tin từ Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) cho biết, ngày 9/4 (theo giờ Washington, D.C., Hoa Kỳ), Vietjet Air và AV AirFinance đã ký kết thỏa thuận hợp tác tổng trị giá 300 triệu USD dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công tác nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt - Mỹ.
Theo Vietjet Air, thoả thuận này là một phần trong loạt thỏa thuận tài chính trị giá 4 tỷ USD mà Vietjet đã thực hiện cùng các đối tác Mỹ để phục vụ kế hoạch phát triển đội tàu bay mới gồm gần 300 tàu bay dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2025-2027.
Năm 2025, Vietjet bắt đầu tiếp nhận các tàu bay Boeing 737 Max đầu tiên trong đơn hàng 200 chiếc trị giá hơn 24 tỷ USD được công bố dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Việt Nam ngày 27/2/2019. Hãng hiện cũng đang trong quá trình đàm phán để mở rộng đơn hàng này, phục vụ chiến lược phát triển toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đang gây xôn xao với dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp dòng Airbus 320 Neo hoặc Boeing 737 MAX và 10 động cơ dự phòng.
Theo tính toán, với dự án trên, Vietnam Airlines phải đầu tư khoảng 92.800 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, Vietnam Airlines đã có tờ trình số 470 ngày 4/4 gửi Chính phủ về dự án đầu tư tàu bay thân hẹp.
Sau đó, ngày 7/4, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ trưởng các Bộ Tài chính và Xây dựng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu các kiến nghị của Vietnam Airlines, có ý kiến cụ thể với từng nội dung mà Vietnam Airlines đề xuất.
Trước đó, trong đề xuất gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước khi cơ quan này kết thúc hoạt động, Vietnam Airlines cho biết dự án vừa nêu có vai trò quan trọng, giúp đơn vị này đảm bảo đạt được mục tiêu, tầm nhìn chiến lược đã đặt ra với vai trò là hãng hàng không quốc gia trong giai đoạn phục hồi và phát triển bền vững.
Đội bay thân hẹp sẽ được Vietnam Airlines khai thác tại thị trường nội địa, các đường bay quốc tế có dung lượng thấp và tập trung chủ yếu vào mạng bay dưới 5 giờ.
Để giảm đáng kể áp lực về dòng tiền, Vietnam Airlines dự kiến tiếp nhận 25 máy bay đầu tiên trong giai đoạn 2028 - 2030, sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu kết hợp vay mua với tỷ lệ vay 50% giá mua máy bay đối với 25 máy bay còn lại nhận trong giai đoạn 2030 - 2031.
Liên quan đến dự án, trong văn bản Bộ Tài chính gửi Vietnam Airlines hướng dẫn về trình tự, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mua 50 máy bay thân hẹp nói trên, Bộ Tài chính cho biết, dự án có tổng giá trị dự kiến khoảng 92.800 tỷ đồng (lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản của Vietnam Airlines theo báo cáo tài chính quý IV/2024), thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Vietnam Airlines báo cáo, trình Thủ tướng xem xét cho ý kiến về chủ trương thực hiện dự án; đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện./.
Vietjet Air đang vận hành hơn 115 tàu bay thế hệ mới và đã đặt hàng hơn 400 chiếc khác. Còn Vietnam Airlines đang sở hữu đội bay 102 máy bay (gồm 30 máy bay thân rộng) với mạng lưới đường bay đến 49 sân bay trên 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu đội bay thân rộng của Vietnam Airlines là 37 máy bay, máy bay thân hẹp là 95 chiếc và 5 máy bay ATR. Đến năm 2035, hãng này dự kiến cần 52 máy bay thân rộng và 112 máy bay thân hẹp.