VN-Index đi "tàu lượn siêu tốc" theo quyết định của Tổng thống Trump

Minh Lâm

“Vạn sự tại Trump”, tuần qua (8-11/4), thị trường chứng khoán thế giới và thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên xuống chóng mặt như tàu lượn siêu tốc. 

Thanh khoản khớp lệnh tuần qua tiếp đà bùng nổ, tăng vượt 45.8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch.
Thanh khoản khớp lệnh tuần qua tiếp đà bùng nổ, tăng vượt 45.8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch.

Dù chỉ trải qua 4 phiên giao dịch, tuần giao dịch từ 08/04-11/04 lại là tuần giao dịch mang lại nhiều cung bậc cảm xúc nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index tiếp tục biến động với biên độ lớn trong tuần qua với gần 150 điểm, từ mức 1.073,61 điểm đến 1.222,54 điểm.

Khởi đầu là phiên bán tháo hàng loạt, nhà đầu tư gần như không nhìn thấy bất kỳ hy vọng gì trong bối cảnh cổ phiếu chất đống dư bán sàn hàng chục triệu cổ phiếu. Chỉ số lao xuống mạnh, khiến nhà đầu tư “xanh mặt”.

Những ánh sáng dần le lói trong phiên sau đó khi một số nhóm ngành có dấu hiệu hồi phục cùng diễn biến quay trở lại mua ròng của nhà đầu tư ngoại. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tuần qua đến từ cú quay xe của Tổng thống Trump khi tạm hoãn thuế quan trong vòng 90 ngày.

Ngay lập tức VN-Index thiết lập phiên giao dịch lịch sử với gần 400 cổ phiếu bật tăng hết biên độ trên sàn HOSE. Nhà đầu tư từ hoảng loạn bán tháo lại tranh nhau mua giá trần.

Phiên giao dịch cuối tuần (11/4), VN-Index đã rung lắc dữ dội khi hàng loạt cổ phiếu từ sàn lên trần chỉ trong vòng một phiên. Thanh khoản cũng có phiên bùng nổ khi người mua, kẻ bán nhộn nhịp trở lại. Đóng cửa tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đạt mức 1.222,46 điểm, tăng 11,79 điểm, tương đương tăng 0,97% so với cuối tuần trước.

Thanh khoản khớp lệnh tuần qua tiếp đà bùng nổ, tăng vượt 45.8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 1,151 triệu cổ phiếu, tăng 26,17% về khối lượng giao dịch; tương đương 25.517 tỷ đồng, tăng 13,82% về giá trị giao dịch.

Độ mở thị trường sắc đỏ vẫn có phần chiếm ưu thế với 14/21 nhóm ngành điều chỉnh trong tuần qua. Các nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng thuế quan gặp áp lực điều chỉnh lớn như: Bất động sản Khu công nghiệp (-13,48%), Dệt may (-11,92%), Thủy sản (-7,90%)… Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành ngược dòng lấy lại đà tăng đáng kể bao gồm: Đường (+9,43%), Công nghệ viễn thông (+7,61%), Hàng không (+7,16%), Bất động sản dân cư (+6,62%),...

Khối ngoại có tuần giao dịch giằng co, thu hẹp đáng kể đà bán ròng, với giá trị giao dịch lũy kế đạt -1.336 tỷ đồng trên sàn HOSE. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại tuần qua tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: VHM (-507 tỷ đồng), MBB (-384 tỷ đồng), VCB (-369 tỷ đồng)... Ở chiều mua ròng, khối ngoại gia tăng tỷ trọng một số mã như: MWG (+603 tỷ đồng), HPG (+338 tỷ đồng), TCB (+245 tỷ đồng)...

Từ góc nhìn kỹ thuật, việc VN-Index tiếp tục mở GAP tăng cho thấy lực cầu đang chiếm ưu thế rõ rệt trên thị trường, đặc biệt là cây nến ngày 11/4 đóng tại mức cao nhất với thân dài và râu nến ngắn đã tạo thành mẫu hình nến Marubozu tăng. Điều này củng cố thêm cho tín hiệu về động lực tăng giá mạnh mẽ trong các phiên tiếp theo.

Trong phiên bắt đáy hai phiên giao dịch ngày 9/4 và 10/4, thanh khoản ghi nhận ở mức khá cao. Tuy nhiên, lực cầu bán ra trong phiên 11/4 lại nhanh chóng bị hấp thụ bởi bên mua, trong khi dòng tiền mua vào phiên ngày 10/4 không quá lớn, cho thấy áp lực chốt lời trong phiên tới sẽ không còn đáng kể.

Vì vậy, dù VN-Index hiện vẫn còn nằm trong vùng GAP 1.210 - 1.230 điểm, chỉ số vẫn sẽ tiếp tục xu hướng tăng và nghiêng về khả năng lấp đi vùng GAP tiếp theo tại khu vực 1.271 - 1.316 điểm trong những phiên giao dịch sắp tới.