VN30 trắng bên bán, hàng loạt cố phiếu tím trần
Mở cửa sáng 10/4, khắp bảng điện một màu tím lịm, VN-Index tăng hơn 77 điểm, mức tăng mạnh nhất trong gần 24 năm qua.

Rổ VN30 chứng kiến toàn bộ 30 mã tăng kịch trần, chỉ có lệnh mua và không có người bán. VN30-Index tăng trần lên 1.249,29 điểm, tương đương tăng 80,61 điểm (6,9%).
Rạng sáng 10/4 (theo giờ Việt Nam), trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 104% lên 125%, đồng thời sẽ tạm dừng áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày đối với hơn 75 quốc gia/vùng lãnh thổ đã không trả đũa Mỹ.
Phản ứng với thông tin trên, các chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng. Đồng điệu với diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu, VN-Index tăng vọt ngay từ lúc mở cửa, phái sinh cũng tăng trần.
Sau 4 phiên bán tháo, nhiều mã đã rơi vào trạng thái "quá bán", cùng với đó động thái hồi phục mạnh mẽ khiến khối lượng cổ phiếu dư mua giá trần chất lệnh khủng, thị trường lại rơi vào cảnh "trắng bên bán". Toàn thị trường ghi nhận 909 mã tăng, trong đó có tới 583 mã tăng trần, trong khi chỉ có 28 mã giảm và 28 mã đứng giá tham chiếu.
Rổ VN30 chứng kiến toàn bộ 30 mã tăng kịch trần, chỉ có lệnh mua và không có người bán. VN30-Index tăng trần lên 1.249,29 điểm, tương đương tăng 80,61 điểm (6,9%).
Đáng chú ý, khối lượng giao dịch đầu phiên khá thấp với hàng loạt mã trắng bên bán như VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB, SHB,…
Các cổ phiếu trên HNX như BAB, tăng kịch trần 10%. Nhiều mã trên UPCoM như VBB, BVB, PGB, VAB… tăng gần 15%.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có xu hướng trở lại mua ròng một số mã ngân hàng như MBB, ACB, TCB… Trước đó, trong phiên 9/4, khối ngoại cũng đã mua ròng sau khi đã ồ ạt bán các phiên trước đó.
Bất chấp VN-Index tăng “dựng đứng”, thanh khoản trên cả 3 sàn phiên sáng nay bị ghìm ở mức chưa đến 5.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do sự biến mất hoàn toàn của nguồn cung trong khi lực cầu dồn dập đặt lệnh.
Hiện các cổ phiếu bluechip đang được săn đón nhiều nhất, đặc biệt là nhóm ngân hàng như VCB, BID, CTG, TCB, VPB và MBB đều tăng kịch biên độ.
Các cổ phiếu trụ khác như VIC, VHM, FPT hay HPG cũng chung “niềm vui” phục hồi mạnh.