VN-Index tăng trưởng mạnh
Việc nền kinh tế có thể khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay, Chính phủ đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và quan trọng hơn thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến được vận hành từ tháng 8 sẽ mang đến một động lực tăng trưởng mới cho thị trường.
Chứng khoán trong nửa đầu năm 2017 chứng kiến giai đoạn bùng nổ hiếm thấy khi tăng trưởng 17%, xác lập cột mốc kỷ lục mới 780 điểm và đồng thời trở thành thị trường tăng điểm tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Giá trị giao dịch các phiên có quy mô từ 3.000 tỷ đồng trở lên tăng đến 78% so với cùng kỳ năm trước với động lực tăng trưởng chủ chốt đến từ nhóm ngành Ngân hàng và bất động sản - hai nhóm ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Tất nhiên, kết quả này gây khá nhiều ngạc nhiên bởi kết quả tăng trưởng của nền kinh tế trong nửa đầu năm nay không thật sự như kỳ vọng. Dù vậy nhờ sự trợ lực của dòng vốn ngoại (giá trị mua ròng lên đến 390 triệu USD), thị trường đã duy trì đà cảm hứng cần thiết để tăng trưởng trong thời gian dài. “Gần như ai mua bất kỳ cổ phiếu trong giai đoạn này cũng đều thắng”, một chuyên gia tài chính nhận định. Nhưng liệu đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến cuối năm nay?
Các nhân tố hỗ trợ chính cho xu thế này là việc nền kinh tế có thể khởi sắc hơn trong nửa cuối năm nay, Chính phủ đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và quan trọng hơn thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến được vận hành từ tháng 8 sẽ mang đến một động lực tăng trưởng mới cho thị trường.
Nhưng cũng có những lo ngại đáng kể, nhất là dư nợ cho vay margin đổ vào thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm nay rất lớn, lên đến hơn 31.000 tỷ đồng, tăng đến 23% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty chứng khoán trong việc quản lý rủi ro trong nửa cuối năm nếu không có các biện pháp bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu.
“Hiện chỉ số giá trên thu nhập của VN-Index tính đến cuối tháng 7 đã lên tới 16,3 lần, tiệm cận mức cao nhất của năm 2016. Áp lực bán ra sẽ gia tăng đều đặn khi VN-Index tiếp cận ở các mức cao mới”, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng phân tích của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định.
Vì vậy, có lẽ các nhà đầu tư nên thận trọng hơn trong tham vọng đầu tư vào nửa cuối năm nay và tốt hơn hãy chọn các ngành nghề mang lại tăng trưởng ổn định như bán lẻ, chứng khoán, bất động sản trung cấp, cảng biển, năng lượng hay một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hóa nhờ giá nguyên liệu đang bước vào chu kỳ phục hồi. “Nhà đầu tư hãy chú trọng vào các cổ phiếu có mức lợi nhuận kỳ vọng cao hơn mức tăng tổng thể của thị trường, nhóm DNNN lớn sắp được cổ phần hóa, nhóm chứng khoán và ngân hàng được hưởng lợi từ nghị quyết xử lý nợ xấu”, ông Viễn nhận định.
Nửa cuối năm nay, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận thêm các thành viên mới, thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Đáng chú ý nhất là việc Công ty Thực phẩm Đông lạnh KIDO - thành viên kinh doanh kem và các sản phẩm đông lạnh của Tập đoàn Kido sẽ niêm yết trên thị trường UPCOM. Năm 2016, doanh thu của hãng kem lớn nhất Việt Nam đã tăng trưởng hơn 30% khi đạt 1.397 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng mạnh 85% với 142,6 tỷ đồng.
Động lực tăng điểm cho thị trường có thể còn đến từ các sự kiện M&A với quy mô lớn. Ở ngành hàng bán lẻ, ông lớn Thế giới Di động dự tính sẽ chi ra con số khủng 2.500 tỷ đồng để thâu tóm một chuỗi điện máy và một chuỗi dược phẩm. FPT đã quyết định thoái vốn khỏi mảng bán lẻ của FPT xuống dưới 50% để thu về số tiền lên đến 2.300 tỷ đồng. Đó còn là các thương vụ M&A có thể xuất hiện trong ngân hàng, giúp mang đến một cú hích tâm lý tích cực cho thị trường.