VN30: Một nửa không vững đà tăng trưởng?

Theo Nguyên Minh/tinnhanhchungkhoan.vn

Đến cuối tháng 4/2019, trong danh sách các doanh nghiệp có cổ phiếu được chọn vào rổ tính VN30 có 18 đơn vị công bố kết quả kinh doanh quý I/2019. Trong đó, tỷ số khá đều nhau khi 9 đơn vị tăng trưởng lợi nhuận và 9 đơn vị ghi nhận sự sụt giảm, hiện chưa xuất hiện công ty nào thua lỗ.

VN30: Một nửa không vững đà tăng trưởng?
VN30: Một nửa không vững đà tăng trưởng?

Những đại diện nổi bật đạt kết quả cao

Ở khối các doanh nghiệp sản xuất có 13 trên tổng số 22 doanh nghiệp trong VN30 công bố kết quả kinh doanh quý I/2019. Xét về giá trị tuyệt đối, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) dẫn đầu về doanh thu thuần, còn Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas (GAS) đạt lợi nhuận sau thuế lớn nhất trong số các doanh nghiệp này.

MWG cho biết, trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của MWG đạt 25.017 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.041 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu online đạt 4.650 tỷ đồng, tăng 67% và đóng góp 19% vào tổng doanh thu.

Phân tích về ngành hàng trong cơ cấu doanh thu của MWG, chuỗi Điện máy xanh đóng góp 58%, Thegioididong góp 35% và Bách hóa xanh mang về 7% doanh thu. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu (108.468 tỷ đồng) và 29% kế hoạch lợi nhuận (3.571 tỷ đồng) cả năm.

Đối với PVGas, mặc dù doanh thu thuần chỉ tăng 2,6%, nhưng nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng 30%, đạt 394 tỷ đồng, cùng chi phí tài chính giảm 65% khiến lợi nhuận sau thuế chốt sổ quý I đạt 3.063 tỷ đồng, tăng 15%.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT PVGas Nguyễn Sinh Khang chia sẻ nhận định, năm 2019, Tổng công ty sẽ đối diện với nhiều khó khăn như giá dầu và giá LPG biến động khó lường do tình hình kinh tế/chính trị quốc tế diễn biến phức tạp, các nguồn khí mới bổ sung có giá thành cao, một số hệ thống, thiết bị đã sử dụng nhiều năm nên tiềm ẩn rủi ro gia tăng chi phí cho bảo dưỡng, sửa chữa…

Theo đó, doanh nghiệp đã đặt kế hoạch đi lùi cho năm tài chính 2019 với lợi nhuận sau thuế 7.643 tỷ đồng, giảm 35% trên cơ sở giá dầu kế hoạch 65 USD/thùng. Tuy nhiên với kết quả tích cực quý I, PVGas đã hoàn thành 40% kế hoạch lợi nhuận năm cho thấy, doanh nghiệp có cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn trong năm.

ảnh 1

 Doanh thu thuần quý I một số doanh nghiệp sản xuất trong VN30.

Xét về tốc độ tăng trưởng, trong số 18 doanh nghiệp công bố kết quả quý I/2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) đang có mức tăng trưởng cao nhất về cả doanh thu lẫn lợi nhuận, lần lượt tăng 47% về thu nhập lãi thuần và tăng 112% về lợi nhuận sau thuế. Tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Ngân hàng lần lượt đạt 1.061 tỷ đồng và 844,2 tỷ đồng.

STB trước đó tự tin đề ra kế hoạch năm 2019 tăng trưởng so với năm 2018. Tổng tài sản tăng tối thiểu 12%, tổng nguồn vốn huy động tăng hơn 14, tổng dư nợ tín dụng tăng 16%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 2.650 tỷ đồng, tăng 18%. 

Bức tranh lợi nhuận phân hóa mạnh

Xét riêng về nhóm ngân hàng, trong số 8 ngân hàng có mặt trong VN30, có 5 ngân hàng đã có báo cáo tài chính quý đầu năm 2019. Vietcombank vẫn giữ vững vị trí đầu bảng khi là ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất (4.710 tỷ đồng, tăng 34%). Hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng về cả thu nhập lãi thuần và lợi nhuận sau thuế, chỉ riêng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) có mức suy giảm lợi nhuận khá mạnh trong quý I.

ảnh 2

 Lợi nhuận sau thuế quý I/2019.

Cụ thể, tại VPB, thu nhập lãi thuần trong quý I đạt 6.785 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đều lần lượt tăng lên 2.975 tỷ đồng (+25%) và 3.204 tỷ đồng (+20%) dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm 32% so với cùng kỳ, đạt 1.421 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính trên tổng 18 doanh nghiệp được thống kê, mức suy giảm lợi nhuận lớn nhất trong quý I/2019 lại diễn ra tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM).

Trước đó, khi xây dựng kế hoạch cho năm 2019, Ban lãnh đạo DPM đánh giá, Công ty sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về thị trường phân bón cũng như giá khí, do vậy mục tiêu năm 2019 là 8.645 tỷ đồng tổng doanh thu và 170 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kế hoạch này giảm mạnh so với kết quả đạt được trong năm 2018 là 9.297 tỷ đồng doanh thu và 712 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Thực tế quý đầu năm, DPM đạt 1.313 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 31% so với cùng kỳ. Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 21% xuống 16%. Trong khi đó, mặc dù đã cắt giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, song chi phí tài chính lại tăng vọt từ gần 500 triệu đồng lên 27,4 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý I/2019 chỉ còn 40,7 tỷ đồng, giảm 74,5%.

Đại diện có mức giảm lớn thứ 2 là Công ty Chứng khoán SSI - công ty mẹ, với doanh thu thuần giảm 30%, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 50%. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, vấn đề này đã được cổ đông chất vấn Ban lãnh đạo SSI.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT SSI cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2019 với tổng doanh thu 3.775 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.700,7 tỷ đồng được đặt ra dựa trên dự báo năm 2019 không xấu hơn năm 2018.

Tuy nhiên, quý I, thị trường diễn biến không như dự đoán, khi mà nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc đều vượt đỉnh cũ nhưng Việt Nam thì chưa. Nhìn chung, bức tranh suy giảm tăng trưởng trong quý I là hoàn cảnh chung của các công ty chứng khoán.

Kết quả kinh doanh quý I cho thấy sự phân hóa mạnh về hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp lớn. Hiện tại, vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp lớn trong VN30 chưa công bố báo cáo tài chính, bức tranh lợi nhuận có thể thay đổi trong thời gian tới, nhưng nhìn câu chuyện quý I đang diễn ra, không hẳn doanh nghiệp lớn sẽ vững đà tăng trưởng.

Trên bình diện chung toàn thị trường, theo cập nhật của Công ty Chứng khoán BSC, tính đến cuối tháng 4, có trên 470 công ty niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX, chiếm tỷ lệ 63% đã công bố báo cáo tài chính quý I/2019. Trong đó có 235 công ty, chiếm tỷ lệ 49%, duy trì tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ; 72 công ty, chiếm 15%, thua lỗ trong quý I.