VNACCS/VCIS về đích đúng kế hoạch

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS trên phạm vi cả nước đúng theo kế hoạch đặt ra. Đòi hỏi đặt ra lúc này với ngành Hải quan là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của Hệ thống thông quan hiện đại này để góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và nâng cao hiệu quả công tác quản lí Nhà nước về hải quan.

Các vị lãnh đạo bấm nút khai trương hệ thống VNACCS/VCIS tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet
Các vị lãnh đạo bấm nút khai trương hệ thống VNACCS/VCIS tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: internet

34 Cục Hải quan áp dụng VNACCS/VCIS

Đại diện Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS (Tổng cục Hải quan) cho biết, Hệ thống VNACCS/VCIS được triển khai chính thức theo 3 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 (từ ngày 1/4 đến 7/4) tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) và Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội); giai đoạn 2 (từ ngày 8/4 đến 8/6) triển khai tại tất cả 33/34 Cục Hải quan địa phương; giai đoạn 3 (từ ngày 9/6 đến ngày 30/6) triển khai tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Tổng cục Hải quan đánh giá, qua hơn 3 tháng triển khai, Hệ thống được thực hiện theo đúng tiến độ đặt ra, không gây xáo trộn lớn cho hoạt động XNK. Các doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng tiếp cận với Hệ thống mới và việc thực hiện thông quan đã đi vào ổn định. Các chức năng quản lí Nhà nước của cơ quan Hải quan được bảo đảm, chặt chẽ và hiệu quả; tỉ lệ phân luồng hợp lí, phù hợp với tiến độ triển khai. Hệ thống vận hành ổn định, theo đúng thiết kế đặt ra; hạ tầng kĩ thuật và việc chuyển đổi từ hệ thống cũ sang VNACCS/VCIS an toàn, ổn định.

Tổng cục Hải quan cho rằng, dù đang ở giai đoạn bước đầu nhưng kết quả vừa qua đã mang lại thành công nhiều mặt. Trước tiên, đó chính là ngành Hải quan đã đưa Hệ thống triển khai chính thức theo đúng cam kết chính trị của 2 Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản. Đây là Dự án lớn nhất từ trước đến nay của ngành Hải quan, có phạm vi, quy mô, mức độ phức tạp và ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động làm thủ tục hải quan, đồng thời tốc độ triển khai dồn dập, trong khi đó, thời gian triển khai rất ngắn (trong vòng 2 năm)... Do đó, việc triển khai đúng tiến độ, chất lượng đã làm tăng uy tín và sự tin tưởng vào bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo đối với cán bộ công chức Hải quan Việt Nam từ phía đối tác Nhật Bản.

Việc triển khai chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS trong phạm vi toàn quốc được thực hiện theo đúng lộ trình và kế hoạch đặt ra trong thời gian ngắn (3 tháng), cho thấy quyết tâm cao độ của Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan địa phương. Hệ thống VNACCS/VCIS không chỉ thay đổi về mặt công nghệ mà còn thay đổi về mặt quy trình thủ tục, thói quen và cách thức làm thủ tục hải quan của cả cán bộ công chức Hải quan và DN, nhưng nhờ quá trình chuẩn bị tốt (đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền và hỗ trợ trực tiếp...) nên việc triển khai Hệ thống tại các đơn vị diễn ra ổn định, không gây xáo trộn lớn cho hoạt động XNK.

Đặc biệt, việc triển khai VNACCS/VCIS một cách dồn dập với sự tham gia của số lượng lớn DN đã tạo nên sức ép lớn đối với Hệ thống và hạ tầng kĩ thuật. Đến thời điểm này Tổng cục Hải quan đánh giá, Hệ thống VNACCS/VCIS và hạ tầng kĩ thuật, đường truyền mạng đã vận hành đảm bảo, điều này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc duy trì hoạt động làm thủ tục hải quan của DN không bị gián đoạn hay trục trặc.

Mặt khác, tỉ lệ phân luồng hàng hóa phù hợp với tình hình triển khai. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tình hình phân luồng chung trong toàn Ngành là 51% luồng Xanh, 39% luồng Vàng và 10% luồng Đỏ. So với trước khi triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS, tỉ lệ phân luồng này gần như không thay đổi (vì luồng Xanh có điều kiện trước đây giờ chuyển thành luồng Vàng). Tỉ lệ phân luồng này tạo niềm tin cho cộng đồng DN trong quá trình làm thủ tục hải quan trên Hệ thống mới.

Hướng đến hoạt động chuyên nghiệp 

Theo Tổng cục Hải quan, việc triển khai Dự án VNACCS/VCIS đã góp phần nâng cao năng lực, kiến thức nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lí, điều hành cũng như tinh thần, thái độ, tác phong làm việc của cán bộ công chức trong toàn Ngành. Thông qua việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS, cán bộ công chức đã có cơ hội học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, tinh thần, thái độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp (làm việc theo nhóm, tinh thần hợp tác, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc...) của chuyên gia Nhật Bản. Với kinh nghiệm triển khai Hệ thống lần này, thời gian tới, Hải quan Việt Nam sẽ tự tin hơn với việc triển khai các công việc có quy mô lớn khác của Ngành.

Sự chuyên nghiệp của cơ quan Hải quan còn được thể hiện ở khâu phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh khi thực hiện VNACCS/VCIS. Đại diện Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS và nhiều đơn vị Hải quan lớn, có phát sinh nhiều vướng mắc chia sẻ: Các vướng mắc được xử lí kịp thời, thông tin về tình hình triển khai Hệ thống giữa Tổng cục và các Cục Hải địa phương diễn ra thông suốt. Kết quả này bắt nguồn từ việc Tổng cục Hải quan đã tổ chức hỗ trợ các đơn vị Hải quan địa phương theo 2 hình thức song song là: một là, cử cán bộ công chức thuộc Ban triển khai Dự án đến trực tiếp tại các cục để hỗ trợ giải quyết vướng mắc phát sinh; hai là hàng ngày, các Cục Hải quan địa phương gửi báo cáo nhanh tình hình triển khai thực hiện tại đơn vị về Tổng cục để thông tin và hỗ trợ kịp thời. Tại Tổng cục thành lập Bộ phận hỗ trợ và phân công các chuyên gia hàng đầu để tiếp nhận và xử lí các vướng mắc. Đến nay, cơ bản các vướng mắc về được tháo gỡ và xử lí.

Việc triển khai thành công VNACCS/VCIS là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực quản lí Nhà nước về hải quan, hiện thực hóa mục tiêu nêu trong Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020 thông qua: Thay đổi phương pháp quản lý hải quan hướng tới quản lí DN thay vì thiên về quản lí hàng hóa như hiện nay; Các quy trình thủ tục được đơn giản hóa, chuẩn hóa, áp dụng tối đa công nghệ thông tin nên vừa giảm tải áp lực công việc cho cán bộ công chức vừa hỗ trợ tối đa công tác giám sát, quản lí của cơ quan Hải quan. Việc thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS là bước đi quan trọng để hướng đến triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW)...

Thời gian thông quan được rút ngắn

Đối với cộng đồng DN, Hệ thống VNACCS/VCIS đã tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc rút ngắn thời gian thông quan (thời gian xử lí thông quan trung bình đối với hàng luồng Xanh của Hệ thống không quá 3 giây). Bởi VNACCS/VCIS hỗ trợ (DN) khai tự động rất nhiều chỉ tiêu và hạn chế được sai sót trong quá trình nhập dữ liệu nên không phải khai đi khai lại nhiều lần. Đồng thời cả DN và cơ quan Hải quan sẽ giảm được việc phụ thuộc vào văn bản, giấy tờ như hiện nay vì hệ thống văn bản đã được mã hóa, cập nhật vào hệ thống, ví dụ như biểu thuế XNK...

Bên cạnh đó, Hệ thống VNACCS/VCIS hướng đến mô hình một cửa (trong đó xử lí tập trung là một điều kiện tiên quyết), hạn chế sử dụng hồ sơ giấy thông qua áp dụng chữ kí điện tử (chữ kí số)… Do vậy, lợi ích của DN ngoài được hưởng từ triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS còn được hưởng lợi ích lâu dài khi triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa quốc gia...