Vơi đi nỗi lo thoái vốn để đóng quỹ

Theo VnEconomy

Dự kiến, tuần cuối tháng 10/2012, Hội nghị khách hàng của VinaCapital sẽ được tổ chức, các khách hàng và cổ đông của VinaCapital sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.

Đề tài nóng được nhiều nhà đầu tư bàn luận và lo lắng trong những ngày đầu tháng 10 là các quỹ đầu tư đang chịu áp lực thoái vốn để đóng quỹ. Tuy nhiên, nỗi lo giải thể hàng loạt quỹ của nhiều nhà đầu tư đã vơi đi khá nhiều...

Ngày 5/10/2012, Đại hội nhà đầu tư thường niên 2012 tại Tp.HCM của 2 quỹ VEIL và VGF thuộc Dragon Capital đã thông qua nghị quyết không giải thể quỹ và gia hạn thêm thời gian hoạt động của quỹ từ 3 đến 5 năm.

Trước đó, ngày 3/10, cổ đông của hai quỹ VEH và VPH thuộc Saigon Asset Management (SAM) cũng đã biểu quyết nhất trí tiếp tục gia hạn hoạt động của hai quỹ này thêm 3 năm.

Tiếp tục đồng hành cùng thị trường Việt Nam

Đó là Quỹ VEIL, VGF, VEH và VPH. Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) ra đời tháng 7/1995 với quy mô tính đến ngày 27/9/2012 là 387,55 triệu USD, giá trị tài sản ròng (NAV) là 15,72 USD/chứng chỉ quỹ. Top 5 cổ phiếu trong danh mục của VEIL là VNM, MSN, ACB, REE và HAG.

Quỹ Vietnam Growth Fund Limited (VGF) được thành lập tháng 10/2004 với quy mô tính đến ngày 27/9/2012 là 203,45 triệu USD, NAV là 2,23 USD/chứng chỉ quỹ. Top 5 cổ phiếu trong danh mục của VGF là VNM, MSN, Olympus, HAG và REE. Quỹ VEIL và VGF do Dragon Capital quản lý, hiện đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Ireland (ISE).

Tại Đại hội thường niên 2012, 74,1% nhà đầu tư của Quỹ VGF đã biểu quyết thông qua việc gia hạn thêm thời gian giữa hai lần biểu quyết về hoạt động của quỹ từ 2 năm lên 3 năm và 58,7% nhà đầu tư Quỹ VEIL thông qua gia hạn hoạt động từ 2 năm lên 5 năm.

Như vậy, VGF sẽ tiếp tục hoạt động ít nhất đến năm 2015 và VEIL đến năm 2017. Dragon Capital cũng đưa ra dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 5% trong năm 2012 và 5,5% vào năm 2013.

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư ngoại kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện các chính sách thuyết phục trong việc tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam, nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Ông Hartmut Giesecke, Chủ tịch của Quỹ VEIL cho biết: “Việc biểu quyết tiếp tục hoạt động của quỹ và đồng ý gia hạn thêm thời gian giữa hai lần biểu quyết về hoạt động của quỹ được nâng lên từ 2 đến 5 năm cho thấy rõ các nhà đầu tư của chúng tôi rất lạc quan về những triển vọng phát triển của thị trường Việt Nam”.

“Hai Quỹ VEH và VPH của Công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) đã được các cổ đông bỏ phiếu chấp thuận gia hạn hoạt động thêm 3 năm”, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc điều hành của SAM vui mừng công bố ngay sau đại hội đồng cổ đông của quỹ chứng khoán Vietnam Equity Holding (VEH) và Quỹ đầu tư Bất động sản Vietnam Property Holding (VPH) kết thúc chiều ngày 3/10.

Cụ thể, VEH và VPH được gia hạn hoạt động thêm 3 năm với tỷ lệ đồng ý hơn 65%. Cũng theo ông Louis Nguyễn, Ban điều hành của quỹ đang nỗ lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa giá chứng chỉ quỹ và và giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ cũng như tăng tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư.

“Ban điều hành đã đề xuất kế hoạch chuyển đổi hai quỹ VEH và VPH thành quỹ mở trong năm 2014 nhằm tạo sự linh động cho nhà đầu tư trong việc đầu tư vào quỹ khi thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục”.

Trước khi đại hội diễn ra, ông Louis Nguyễn đa tỏ ra lo ngại về khả năng thoái vốn của 2 quỹ này bởi thời điểm thành lập quỹ, vào năm 2007, là lúc thị trường chứng khoán đang tăng trưởng nóng nhất, VN-Index lên đến hơn 1.100 điểm, nhưng hiện tại, chỉ số này giảm dưới mức 400 điểm. Những cổ phiếu mà SAM nắm giữ lúc đó, giờ có khi đã giảm đến 80-90% nên hoạt động của quỹ ở Việt Nam không đạt được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.

Mặt khác, việc gọi vốn mới càng khó hơn trong thời điểm hiện nay. Nhà đầu tư khi bỏ vốn vào sẽ cân nhắc xem những yếu tố của kinh tế vĩ mô sẽ tác động như thế nào đến khoản đầu tư của họ. Nếu bỏ vốn vào mà tiền lãi thấp hơn cả lãi ngân hàng, còn phải trừ đi cả lạm phát và biến động của tỷ giá, thì họ sẽ không đầu tư.

VinaCapital không bị áp lực giải thể quỹ

Dự kiến, tuần cuối tháng 10/2012, Hội nghị khách hàng của VinaCapital sẽ được tổ chức, các khách hàng và cổ đông của VinaCapital sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam.

Hai quỹ thuộc VinaCapital là Quỹ đầu tư cổ phiếu lớn nhất Việt Nam (Vietnam Opportunity Fund-VOF) đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán London.

Quỹ VOF được thành lập vào năm 2003, định kỳ 5 năm một lần, nhà đầu tư biểu quyết xem xét việc quỹ tiếp tục hoạt động hay giải thể. Lần biểu quyết đầu tiên diễn ra vào năm 2008 và lần kế tiếp là vào năm 2013.

Thứ hai là Quỹ đầu tư bất động sản Vinaland Ltd (VNL), việc biểu quyết diễn ra 10 năm một lần, do thành lập vào năm 2007 nên tới năm 2017, nhà đầu tư mới xem xét về vấn đề tiếp tục hoạt động hay giải thể. Do vậy, hiện tại, VinaCapital không đối diện với bất kỳ áp lực nào về giải thể các quỹ.

Theo số liệu công bố đến ngày 31/8, VOF quản lý tổng tài sản khoảng 721 triệu USD, còn VNL có quy mô tài sản trị giá 560 triệu USD.

Tuy nhiên, hầu hết các quỹ đầu tư tại Việt Nam hiện nay đang bị áp lực rất lớn từ nhà đầu tư trước thềm đại hội nhà đầu tư thường niên, khi giá trị tài sản ròng (NAV) sụt giảm mạnh, “bốc hơi” khá nhanh, tỷ lệ chiết khấu (tỷ lệ giữa NAV mỗi chứng chỉ quỹ/giá chứng chỉ quỹ trên thị trường) quá lớn.

Theo số liệu mới nhất, VinaCapital có tới 2/3 quỹ đầu tư do mình quản lý đều có tỷ lệ chiết khấu lên đến hơn 50%, trong đó, VNL lên tới 60,3% và VNI là 51,8%, còn Vietnam Opportunity Fund (VOF) là 31,5%.

Theo số liệu mới công bố trong tháng 9 của SAM, giá trị tài sản ròng (NAV) mỗi chứng chỉ quỹ/giá chứng chỉ quỹ VEH đạt 2,06 EUR/1,33 EUR, tương ứng tỷ lệ chiết khấu là 35% và VPH cũng có tỷ lệ chiết khấu tới 31,7%.

Chính do áp lực lớn này, trong tháng 9/2012, nhiều quỹ đã dồn dập mua vào chứng chỉ quỹ với mục đích chính là nhằm giảm số chứng chỉ quỹ đang lưu hành, tăng thị giá của chứng chỉ quỹ, từ đó thu hẹp mức chiết khấu đang cao chót vót hiện nay và giúp chứng chỉ quỹ hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư dài hạn, họ sẽ tiếp tục đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam.