Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt dù hơn 32.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế
Từ dư thừa nguồn vốn, thị trường cho vay liên ngân hàng lại đang thiếu hụt một cách rõ ràng. Lãi suất qua đêm đầu tuần này đã tăng lên 4,14%.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất liên ngân hàng ngày 23/7 tại các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng tăng trên 1% so với cuối tuần trước.
Lãi suất qua đêm tăng từ 3,18%/năm lên 4,14%/năm với với 13.305 tỷ đồng được giao dịch trong ngày, cao so với trung bình các phiên trước. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng đồng loạt tăng, trong đó cao nhất là kỳ hạn 6 tháng (4,95%).
Trong tuần từ 16/7-22/7, lãi suất chứng kiến tuần tăng mạnh nhất trong năm. Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), thị trường cho vay liên ngân hàng "khá chao đảo" trong 6 tuần qua, phản ánh từ thanh khoản dư thừa đến sự thiếu hụt nguồn vốn một cách rõ ràng. Theo CTCK này, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những biến động mạnh về lãi suất.
NHNN bơm vào hệ thống hơn 32.000 tỷ đồng trong tuần qua. Trong đó, khối lượng tín phiếu đáo hạn với tổng giá trị 31.200 tỷ đồng và hơn 990 tỷ đồng được cho vay trên thị trường mở (OMO). Cùng đó, NHNN ngừng phát hành tín phiếu.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng và khối lượng OMO
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dù tiền được bơm vào hệ thống nhưng thanh khoản vẫn có dấu hiệu sụt giảm mạnh do NHNN bắt đầu bán ra ngoại tệ.
Theo thông tin từ Vietnam Finance, trên liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước bán ra khoảng 1,77 tỷ USD trong các ngày từ 13/7 đến 19/7. Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà cũng khẳng định NHNN đã đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Ước tính với khoàng 1,77 tỷ USD bán ra, NHNN đã thu về khoảng 40.800 tỷ đồng.
Lãi suất USD liên ngân hàng trở lại mức cao giúp chênh lệch lãi suất USD-VND đảo chiều. Dù vậy, áp lực lên tỷ giá vẫn cao, đặc biệt sau động thái bất ngờ nâng tỷ giá bán can thiệp USD sáng ngày 23/7.
SSI cho rằng có thể tỷ giá đang phản ứng quá mạnh với động thái mới của NHNN. Theo CTCK này, cung cầu ngoại tệ vẫn tương đối cân bằng trong ngắn hạn, đặc biệt sau khi NHNN bán ra dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, áp lực về dài hạn không nhỏ bởi cả các yếu tố trong và ngoài nước. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguồn cung USD như cán cân thương mại yếu dần với 880 triệu USD nhập siêu trong nửa đầu tháng 7 và việc dòng vốn ngoại khó có thể duy trì mức cao như nửa đầu năm.
Ngoài ra, đồng NDT liên tục mất giá thời gian qua. Mặc dù, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không có ý định làm mất giá đồng NDT để kích thích xuất khẩu nhưng quốc gia này gần đây lại có nhiều động thái nới lỏng tiền tệ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng 2 lần và việc bơm lượng tiền lớn qua các khoản vay một năm cho ngân hàng thương mại.
Tỷ giá NDT/USD đã liên tục tăng trong thời gian qua và hiện giao dịch tại mức 6,8 NDT đổi 1 USD. Tính chéo qua đồng USD, đồng NDT đã mất giá 6,5% so với tiền đồng kể từ mức đỉnh.