Vốn ngoại vào bất động sản: Tiềm năng vẫn lớn
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản (BĐS) 9 tháng đầu năm 2017 đứng thứ hai trong 21 ngành đầu tư của Việt Nam nhưng theo đánh giá, vẫn chưa thu hút được hết tiềm năng vốn ngoại vào lĩnh vực này do còn vướng một số rào cản pháp lý.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đến ngày 20/9/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 183,5 tỷ USD (chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư); đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh BĐS với 51,1 tỷ USD (chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư).
Nhiều dự án vốn tỷ USD
Nhìn tổng quan trên thị trường BĐS, các dự án có vốn FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, từ đầu năm đến nay, FDI tăng đột biến là nhờ vào những dự án có vốn tỷ USD.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD; dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 có tổng vốn đầu tư 2,1 tỷ USD; dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn tại Kiên Giang có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD; dự án nhà máy công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD; dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.
Ở phân khúc căn hộ cao cấp, FDI cũng đang đẩy mạnh chiến lược đầu tư và mua lại cổ phần tại các dự án.
Cụ thể, CapitaLand đã công bố việc mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8ha ở Thảo Điền (TP. Hồ Chí Minh) để phát triển hơn 300 căn hộ.
Công ty Keppel Land của Singapore là đã chi 846 tỷ đồng (khoảng 37 triệu USD) để tăng cổ phần lên 16% trong dự án Saigon Centre tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Hongkong Land đã trở thành đối tác chiến lược của công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tập đoàn đầu tư An Gia và đối tác Creed Group đến từ Nhật Bản đã tiếp tục “thâu tóm” 5 block căn hộ thuộc dự án La Casa quận 7 của tập đoàn Vạn Phát Hưng với giá trị 910 tỷ đồng.
Ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, tập đoàn Berjaya Land (Malaysia) đã thành công chuyển nhượng lại toàn bộ 70% cổ phần đang nắm giữ trong một dự án khu nghỉ mát 4 sao trên đảo Phú Quốc cho Sulyna Hospitality với tổng giá trị 14,65 triệu USD.
Nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ; cơ cấu dân số phát triển tương đối đều dẫn đến nhu cầu cao hơn của các khách hàng cho những mặt hàng tiêu dùng, trong đó chủ yếu là BĐS.
Nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… rõ ràng Việt Nam có một số lợi thế nhất định ở các lĩnh vực: viễn thông, tiêu dùng, chế xuất, BĐS.
Đặc biệt, với hội nghị APEC sắp diễn ra, Việt Nam sẽ càng thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài công bố vốn FDI vào lĩnh vực BĐS đứng thứ hai cho thấy, chính sách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có nỗ lực đáng kể để thu hút FDI vào lĩnh vực này.
Chưa thu hút hết tiềm năng
Một loạt nhà đầu tư lớn đến từ Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đều quan tâm đến thị trường BĐS kể cả trong lĩnh vực công nghiệp, nhà ở thương mại và du lịch nghỉ dưỡng.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, một lượng lớn vốn FDI được giải ngân nhanh chóng vào phân khúc bán lẻ, văn phòng và nhà ở. Tới đây, các nhà đầu tư còn quan tâm đến phát triển và vận hành khách sạn tại Việt Nam.
Lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thị trường BĐS Việt Nam là vì Chính phủ đã ban hành Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh BĐS năm 2015 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà và tài sản trên đất ở Việt Nam.
Tuy nhiên, các luật này cũng giới hạn người nước ngoài sở hữu nhà nên thực chất chưa thể thu hút hết tiềm năng vốn ngoại vào lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, ngoài các thủ tục pháp lý về cơ bản đã cải thiện tốt nhưng vẫn cần cải thiện hơn nữa, vấn đề sở hữu nhà vẫn bị giới hạn bởi tính pháp lý như: sở hữu được 50 năm, sở hữu 30% trong dự án, giới hạn tỷ lệ người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam.
Với những giới hạn này, ông Matthew Powell cho rằng các cơ quan nhà nước có thể nghiên cứu và cân nhắc việc nới lỏng giới hạn cho một số khu vực, dự án, hoặc một số loại hình BĐS.
Đơn cử như BĐS nghỉ dưỡng, hoặc các chung cư hạng A, có thể có một phạm vi giới hạn thay vì giới hạn cố định 10 – 30%. Hay BĐS trong lĩnh vực du lịch, sân golf, khu căn hộ cao cấp, hoặc phân khúc hạng sang, việc nới lỏng hạn mức sẽ không gây nên bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến thị trường đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn khuyến cáo Việt Nam cần thận trọng khi thực hiện điều này. Đồng thời cần học hỏi từ các quốc gia khác như Australia, Thái Lan, Malaysia hay Hồng Kông để tìm ra những vấn đề vướng mắc.
Khi các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, chắc chắn nền kinh tế của Việt Nam cũng như thị trường BĐS và các nhà đầu tư quốc tế sẽ nhận được những lợi ích to lớn nhờ những quy định này được ban hành và áp dụng một cách phù hợp.